Nhân rộng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu

(NTO) Ban Quản lý Dự án Grant No.I-C-1458-VN vừa phối hợp với Văn phòng IFAD tại Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông nhân rộng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lớp tập huấn diễn ra tại tỉnh Tuyên Quang do giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hướng dẫn nghiên cứu những nội dung căn bản về kỹ năng truyền thông. Học viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tham gia khóa tập huấn có trên 30 học viên đến từ 11 địa phương thực hiện dự án IFAD, tỉnh Ninh Thuận có 3 học viên thuộc các đơn vị: Ban điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh, Báo Ninh Thuận, Cơ sở sản xuất vang nho Thiên Thảo. Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng thuyết trình, tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng các mô hình sản xuất thành công trong điều kiện biến đổi khí hậu. Học viên được hướng dẫn nghiên cứu các chuyên đề: Tổng quan về truyền thông; các phương tiện truyền thông hiện đại; truyền thông hình ảnh và quản lý hình ảnh trong hoạt động truyền thông; lập kế hoạch truyền thông; kỹ năng thuyết trình và kỹ năng quan hệ công chúng của tiểu giáo viên dự án. Học viên lập kế hoạch truyền thông nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi canh tác các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa; nuôi bò lai, nuôi ong lấy mật, nuôi cá nước ngọt cho thu nhập cao bảo đảm đời sống nông dân thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu…

Học viên tỉnh Ninh Thuận lập kế hoạch truyền thông trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại lớp tập huấn, học viên các tỉnh thực hiện dự án IFAD chia sẻ nhiều mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đơn cử, học viên tỉnh Tuyên Quang báo cáo mô hình trồng và chế biến trà theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ sản xuất Làng Bát thuộc xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) gồm 30 hộ liên kết nhóm đồng sở thích canh tác 16 ha trà đạt sản lượng trên 57 tấn/năm, thu nhập của nông hộ tăng gấp 2 lần. Mô hình trồng trà Làng Bát thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xói mòn đất, hạn chế lũ; thân thiện với môi trường do sử dụng phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học; sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Học viên tỉnh Trà Vinh báo cáo mô hình trồng cây gấc với diện tích khoảng 20 ha của các nông hộ xã Hiệp Hòa (huyện Cầu Ngang). Cây gấc ít sử dụng nước tưới, dễ trồng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cây gấc cho sản lượng 25 tấn/ha/năm với gía bán trung bình 5.000 đồng/kg, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Học viên tỉnh Ninh Thuận báo cáo hiệu qủa kinh tế của cây nho canh tác theo quy trình VietGAP, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài trong nhiều năm qua. Với diện tích canh tác 1.200 ha gồm các giống NH 01-48, Red Cardinal, NH 01- 152, cây nho Ninh Thuận cho sản lượng khoảng 30 ngàn tấn/năm. Nhiều tổ nhóm liên kết trồng nho theo quy trình VietGAP nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước. Trung bình 1 ha nho cho thu nhập 500- 700 triệu đồng/năm, tạo sinh kế cho hàng ngàn nông hộ có cuộc sống no ấm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhóm học viên tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng tiểu phẩm truyền thông canh tác nho theo tiêu chuẩn VietGAP và lập kế hoạch kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa nhóm đồng sở thích trồng nho an toàn với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Học viên tham quan mô hình trồng trà tiêu chuẩn VietGAP tại xã Trung Yên (Sơn Dương, Tuyên Quang)

Chương trình tập huấn kỹ năng truyền thông nhân rộng mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu đã trang bị cho học viên những kiến thức căn bản để trở thành tiểu giáo viên ở các địa phương. Qua đó góp phần truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân áp dụng các mô hình sản xuất cho thu nhập cao phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đồng thời, học viên là chủ các cơ sở sản xuất có điều kiện gặp gỡ liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân các địa phương thực hiện dự án IFAD đến với người tiêu dùng trong cả nước.