Hiệu quả nhóm chăn nuôi bò sinh sản thôn Động Thông

(NTO) Từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), xã Phước Chiến (Thuận Bắc) đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, lựa chọn các mô hình chăn nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, đáng kể là việc thực hiện mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Động Thông không những tạo sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo, mà còn góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi bò ở địa phương ngày càng phát triển.

 
Thành viên nhóm chăn nuôi bò sinh sản thôn Động Thông chăm sóc bò của gia đình.

Thôn Động Thông hiện có 322 hộ, với 1.478 nhân khẩu. Do diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít, lại nằm trong vùng không chủ động nước tưới nên kinh tế chủ yếu dựa vào canh tác cây đậu, bắp trên đất đồi, núi với diện tích khoảng 100ha, nên cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi của người dân cũng rất hạn chế, ngoài một số ít hộ nuôi dê, cừu, heo địa phương, thì số lượng bò cũng rất ít. Vì vậy, khi Dự án HTTN được triển khai ở thôn, Ban Phát triển xã đã lựa chọn chuỗi giá trị phù hợp, nhằm thu hút đông nông dân tham gia. Ban Phát triển đã khảo sát và thành lập nhóm chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Động Thông, với 15 thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 12-2015, nhóm được DASU huyện Thuận Bắc hỗ trợ 15 con bò giống sinh sản, với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn Quỹ CDF hỗ trợ 240 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các thành viên tham gia để làm chuồng trại, mua thức ăn cho bò. Để mô hình thực hiện có hiệu quả, trong quá trình nuôi, nhóm được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ, phòng chống dịch bệnh…

Anh Chamaléa Thuần, Trưởng nhóm chăn nuôi bò sinh sản, cho biết: Hầu hết các thành viên trong nhóm đều mong muốn mô hình nuôi bò sinh sản này là hướng sinh lợi về lâu dài nên nhóm định hướng phát triển theo cách gầy đàn để sau này khi kết thúc dự án ít nhất mỗi hộ nghèo, cận nghèo có 2-3 con bò làm nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nên sau khi nhận bò về nuôi, nhóm đã tổ chức họp và xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để các hộ thành viên thực hiện đúng cam kết mà dự án đã đề ra. Nhờ đó, qua hơn một năm chăn nuôi, đàn bò cũng đã sinh sản được 5 con bê và toàn bộ đang cấn chửa nên hầu hết các hộ thành viên đều rất phấn khởi.

Qua tìm hiểu tại các hộ thành viên, điều đáng ghi nhận đó là mặc dù nắng hạn kéo dài làm khan hiếm nguồn thức ăn, nước uống, nhưng các hộ chăn nuôi vẫn có hướng phát triển, chăm sóc và đảm bảo đàn tốt. Chị Pinăng Thị Ganh, thành viên nhóm, chia sẻ: Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo, trước đây cuộc sống chỉ dựa vào trồng trọt trên rẫy, được dự án hỗ trợ một con bò giống nuôi sinh sản, nên gia đình có điều kiện để gầy dựng đàn. Sau khi nhận bò về nuôi, mọi người trong gia đình thay phiên nhau đi cắt cỏ cho bò ăn, nên sau hơn một năm thì bò đã đẻ một bê cái. Đây là nguồn vốn để gầy đàn, phát triển kinh tế gia đình.

Đồng chí Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, cho biết: Việc thành lập và phát triển nhóm chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Động Thông là rất phù hợp với định hướng phát triển nghề chăn nuôi của địa phương. Tuy mới được triển khai nhưng đã cho hiệu quả khả quan. Đây là tín hiệu vui nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo của địa phương từng bước phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.