Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi ở Nhị Hà

(NTO) Nhị Hà là một trong hai xã miền núi của huyện Thuận Nam được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN). Toàn xã có 3 thôn, với 1.229 hộ, 4.563 nhân khẩu, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp với thế mạnh là chăn nuôi gia súc có sừng.

 
Thành viên NST nuôi bò thôn Nhị Hà 2 thực hiện mô hình nuôi bò thương phẩm do Dự án HTTN tài trợ.

Đồng chí Võ Như Sơn, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, cho biết: Từ thực tế của địa phương, ngay khi dự án được triển khai, Ban Phát triển xã đã khảo sát và tập trung ưu tiên thực hiện Hợp phần phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo; xây dựng kế hoạch để thực hiện các chuỗi giá trị về trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho các nhóm sở thích (NST); triển khai nhiều mô hình mới trong sản xuất giúp người nghèo cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững. Dựa trên thế mạnh của địa phương và ý kiến người dân, Ban Phát triển xã đã xác lập được 2 chuỗi giá trị ưu tiên về chăn nuôi là bò và cừu; trên cơ sở đó thành lập 11 NST (7 NST nuôi bò và 4 NST nuôi cừu) với 129 thành viên tham gia, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo.

Quá trình triển khai chuỗi giá trị chăn nuôi, Ban Phát triển xã chú trọng tập huấn, chuyển giao cho nông dân và các NST kỹ thuật chăm sóc, thú y, phòng bệnh. Dự án HTTN cũng đã trực tiếp hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại, cấp máy băm cỏ và triển khai mô hình chế biến, bảo quản thức ăn gia súc bằng cách tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giúp giảm 10-20% chi phí chăn nuôi. Nhờ đó, cải tiến căn bản phương thức nuôi thả tự nhiên của các hộ sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi, đến nay, Dự án HTTN đã đầu tư trên địa bàn xã Nhị Hà 8 công trình, gồm: Chợ thôn Nhị Hà 2; bê-tông đường nội đồng Bà Sa 1 và Bà Sa 2; nâng cấp đường nội đồng Sông Trăng; xây dựng chợ thôn Nhị Hà 3; bê-tông đường nội đồng Thị Đội… Ngoài ra, Ban Phát triển xã còn chủ động liên hệ, tạo liên kết sản xuất giữa các NST với doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Trang trại chăn nuôi bò Long Hoàng, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Nhị Hà, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và chăn nuôi Tân Hà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ được đầu tư đồng bộ cho sản xuất, nông dân trong xã có nhiều thuận lợi để tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định và ngày càng mở rộng.

Chia sẻ niềm vui của các hộ hưởng lợi trực tiếp từ Dự án HTTN, anh Lê Đại Hạnh, Trưởng NST nuôi bò thôn Nhị Hà 2, cho biết: Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ SCG, 14 thành viên trong nhóm được tài trợ số tiền 154 triệu đồng mua 14 con bê đực để thực hiện mô hình nuôi bò thương phẩm. Từ khi nhận bò của dự án về nuôi đến nay, các hộ phấn khởi và chí thú làm ăn, nhiều hộ tích góp tiền, vay vốn ngắn hạn qua kênh Hội Phụ nữ xã để đầu tư thêm bò cái nuôi để phát triển đàn. Hay như ở NST nuôi bò thôn Nhị Hà 1 cũng được Dự án HTTN cấp 2 con bò cái và 8 con bò đực để triển khai mô hình nhân giống và nuôi vỗ béo bò đực sind; NST nuôi cừu thôn Nhị Hà 3 được hỗ trợ 98 triệu đồng mua 24 con giống cấp cho 8 hộ thành viên nuôi theo mô hình cừu vỗ béo… Để bà con chăn nuôi hiệu quả, dự án tổ chức nhiều buổi tập huấn, giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật và nhận biết bệnh để phòng ngừa cho đàn gia súc của gia đình.