Hướng phát triển mới của nhóm nuôi dê sinh sản ở thôn An Thạnh 2

(NTO) Là một trong 7 thôn của xã An Hải thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước, An Thạnh 2 có nghề trồng nho, táo khá phổ biến. Bên cạnh việc trồng trọt, người dân còn chăn nuôi bò, dê để cải thiện cuộc sống, đặc biệt gần đây con dê được chú trọng tăng đàn theo mô hình gia trại tận dụng lá nho, lá táo và trái táo hư làm thức ăn cho dê nuôi sinh sản.

 
Bà Lê  Thị Seo, thành viên CIG chăn nuôi dê sinh sản thôn An Thạnh 2 chăm sóc đàn dê của gia đình.

Để phát triển chuỗi giá trị dê, dưới sự hướng dẫn của Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Ninh Phước và Ban Phát triển xã An Hải, từ tháng 4-2014, tổ nhóm cùng sở thích (CIG) chăn nuôi dê sinh sản thôn An Thạnh 2 được thành lập gồm 10 hộ thành viên, trong đó có 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, do anh Hồ Được làm nhóm trưởng. Sau khi chính thức hoạt động, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, từ nguồn vốn CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), đã có 10 con dê cái được chuyển giao cho tổ. Tham gia mô hình, mỗi hộ nông dân đóng vào 1 triệu đồng đối ứng và được nhận 1 con dê cái (trị giá 3,3 triệu đồng) để nuôi sinh sản. Ngoài ra, Quỹ CDF còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu, đá liếm bổ sung chất khoáng và vật liệu cho các hộ làm 10 chuồng nuôi. Trong quá trình nuôi, DASU huyện Ninh Phước và Ban Phát triển xã đã tổ chức 3 lớp tập huấn về các kỹ thuật nuôi an toàn, bền vững và cách sử dụng thuốc thú y, phòng bệnh; đưa các hộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi dê tại xã Phước Nam (Thuận Nam) và xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn).

Toàn thôn An Thạnh 2 hiện có khoảng 70ha diện tích trồng nho, táo. Riêng trong CIG nuôi dê sinh sản, trung bình mỗi hộ có từ 1-2 sào đất trồng nho, táo (chiếm đa số), ngoài ra còn trồng giặm thêm rau lang, rau muống để làm thức ăn cho dê. Nhìn chung, để nuôi dê sinh sản, An Thạnh 2 khá thuận lợi vì hầu hết người nuôi đều là nông dân có đất trồng trọt, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có như lá nho, táo và lá các cây hoa màu khác. Với lợi thế ấy, có sẵn chuồng nuôi còn rộng, các hộ thành viên CIG đã tích lũy vốn mua thêm 1-2 con dê về nuôi để nhanh chóng nhân đàn. Theo anh Hồ Được, nhờ trong tổ có 2 hộ thành viên đều là người chăn nuôi dê lâu năm có sẵn bầy đàn, có đất trồng nho, táo và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nên các hộ nghèo, cận nghèo đã nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật chăm sóc, bón thúc thức ăn cho dê. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, các hộ thành viên còn được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tiêm phòng gia súc, cách thức buôn bán thông qua tổ… nên đã được bổ sung các kiến thức cần thiết trong phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi.

Đến nay, tất cả số dê nuôi của tổ nhóm đã sinh sản được dê con, trung bình mỗi hộ có thêm 4-5 con, trong đó có hộ đã gầy được đàn từ 8-9 con như các hộ: Hồ Được, Lê Thị Seo, Đặng Ngọc Thiên và Đặng Ngọc Thời. Theo các hộ thành viên, dê cái nuôi vẫn đang tiếp tục sinh sản và chắc chắn chỉ một thời gian nữa là đàn dê của tổ nhóm còn tăng lên gấp đôi. Đây là cơ sở để khẳng định vùng đất có đa số nông dân canh tác nho, táo này hoàn toàn thích hợp cho nghề nuôi dê sinh sản phát triển mạnh. Mặt khác, cũng qua hoạt động của CIG nuôi dê thôn An Thạnh 2, dễ nhận ra là trong tổng số hộ thành viên, có thể thấy việc chăm sóc, cho dê ăn, phần lớn đều do phụ nữ trong hộ trực tiếp đảm nhận. Anh Hồ Được cho biết: Dự án nuôi dê sinh sản không chỉ giúp việc hưởng lợi nhanh chóng hơn, mà còn tạo việc làm, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho các phụ nữ nghèo trong thôn. Đặc biệt thông qua tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông, CIG chăn nuôi dê sinh sản thôn An Thạnh 2 sẽ có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, biết cách làm ăn theo tổ nhóm, tiến tới liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.