Đi, ngắm nhìn và suy ngẫm

(NTO) Đoàn công tác chúng tôi xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, sau khoảng 5 giờ 30 phút bay, máy bay đáp xuống sân bay Fukuoka. Theo kế hoạch, chúng tôi đến tỉnh Oita, cố đô Kyoto, tỉnh Nagoya, Hakone và chặng cuối là thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Hành trình trên đất nước mặt trời mọc chưa đầy một tuần, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe ô tô, duy nhất một chặng hơn 500 km đi bằng tàu cao tốc Shinkansen. Dù đã được biết khá nhiều về đất nước Nhật Bản qua các phương tiện truyền thông nhưng chúng tôi vẫn bị bất ngờ và thực sự ấn tượng về đất nước, văn hoá, con người nơi đây.

Đi

Mỗi ngày chúng tôi di chuyển khoảng 700 - 900 km nên có dịp trải nghiệm giao thông ở đất nước hiện đại bậc nhất thế giới. Đất nước mặt trời mọc với hệ thống đường bộ chạy ngang, dọc cùng hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất, tàu cao tốc Shinkansen trên mặt đất tạo thành hệ thống đường bộ cực kỳ khoa học và hợp lý. Chúng tôi đã di chuyển bằng đường bộ qua gần nửa chiều dài Nhật Bản nhưng không hề thấy hiện tượng tắc nghẽn giao thông dù đó là Tokyo nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Trên các con đường cao tốc nối dài đất nước hay ở các đường phố, nơi thôn quê, ngoài các xe nối đuôi nhau, di chuyển đúng làn đường, tốc độ cho phép, lái xe luôn bật thiết bị dẫn đường để được hướng dẫn tránh các cung đường quá tải hoặc bị tắc do mưa ngập, sự cố. Các trạm thu phí có làn tự động (ETC), làn bán tự động nhưng hầu hết xe qua làn tự động. Xe ô tô qua trạm thu phí chỉ việc giảm tốc độ để hệ thống camera nhận diện và máy quét làm nhiệm vụ thu phí, không có hiện tượng ùn tắc tại các trạm thu phí như Việt Nam. Trong suốt hành trình ngồi trên xe ô tô, dù mật độ xe lưu thông nhiều, nối đuôi nhau như những đàn kiến dài nhưng không hề có tiếng còi, việc vượt, rẽ đều dùng đèn tín hiệu.

 
Đường phố ở Thủ đô Tokyo.

Quan sát các xe lưu thông trên đường phố hết sức đông đúc nhưng không thấy khói xả và mùi hôi của xăng dư thải ra không khí. Việc cấp biển số xe hơi được phân thành ba loại: Biển số màu xanh là xe tải (bao gồm cả xe ô tô chở hành khách), biển số màu trắng cấp cho xe có dung tích buồng đốt trên 1.000 cm3 và biển số màu vàng là xe có dung tích buồng đốt từ 1.000 cm3 trở xuống. Điểm đặc biệt ở Nhật Bản là các tuyến đường cao tốc có hệ thống đường hầm xuyên qua núi khá nhiều và là đường hầm một chiều. Ngồi trên xe hàng ngàn km nhưng chúng tôi không hề gặp một ổ gà nho nhỏ, đường hư hỏng phải sửa rất hiếm và nếu có ta chỉ nhận biết qua màu sắc đậm hơn và mặt phẳng trùng với đường cũ. Một nguyên tắc mà các xe ô tô ở Nhật Bản hết sức coi trọng là ưu tiên nhường cho người qua đường xong mới chạy dù tín hiệu đèn xanh đã bật, rất hiếm có lái xe bấm còi thúc giục người đi bộ. Ở các đô thị, nhất là thủ đô Tokyo, học sinh, sinh viên đi học, công chức, viên chức, người lao động đa số sử dụng tàu điện ngầm làm phương tiện đi lại. Từ các nhà ga, từng dòng người hối hả đi bộ như chạy nhưng trật tự, đúng làn đường quy định để đến địa điểm học tập, làm việc.

Ngắm nhìn

Có lẽ thời gian ngồi trên xe mỗi ngày không dưới sáu giờ lại là điều may mắn để chúng tôi có dịp ngắm nhìn bức tranh phong cảnh hai bên đường mà không hề biết chán. Điểm ấn tượng khó quên đối với du khách ở đất nước mặt trời mọc là màu xanh của cây cối, hoa lá trải rộng khắp nơi, đẹp đến nao lòng. Những cánh rừng xanh ngắt ngút ngàn trải dài hai bên đường, ở các đô thị đâu đâu cũng thấy cây xanh, vườn hoa. Bên những con đường khu du lịch, đường phố, nơi nhà hàng-khách sạn cây xanh được tạo cảnh đẹp như tranh vẽ. Những toà nhà chọc trời ở Tokyo san sát nhau nhưng dưới chân nó là những hàng cây, khóm cây xanh mướt. Trong nhà ga sân bay, phòng lễ tân khách sạn dù không nhiều đều có những chậu cây xanh tạo môi trường xanh, trong lành. Có những nơi như khách sạn Blossom thuộc tỉnh Oita, từ tầng 8 phòng ăn liền sang ta cứ tưởng đây là mặt đất với thiên đường có sân vườn, ngôi nhà cổ, cây cối, hoa lá. Bên các tuyến đường bộ thi thoảng ta lại bắt gặp các hàng rào cách âm dựng lên ven đường nhằm giảm tiếng ồn khi xe cộ qua khu dân cư. Nhà ở tại các vùng nông thôn khá tập trung và thiết kế giống nhau, chủ yếu nhà trệt mái hình tam giác, lợp ngói màu xám, rất ít nhà hai tầng. Ở các đô thị dù là đất vàng nhưng các nhà cao tầng luôn cách nhau một khoảng nhất định bởi người Nhật không muốn bị làm phiền. Đến những nơi đông người như nhà ga tàu điện, điểm tham quan du lịch, siêu thị, phòng chờ sân bay… bạn dễ dàng nhận thấy phong cách xếp hàng, hết sức trật tự, không ồn ào, luôn cởi mở và thân thiện của người Nhật. Đến Tokyo bạn sẽ có dịp được lên tầng 42 Toà Thị chính ngắm nhìn khung cảnh hiện đại và cổ kính của thành phố rồi thăm thú Hoàng cung Nhật bản, đâu đâu cũng thấy phong cảnh thanh bình, đẹp và thơ mộng.

 
Thủ đô Tokyo nhìn từ trên cao.

Đôi điều suy ngẫm

Nhật Bản hiện đại, văn minh có lẽ ai cũng biết nhưng có những điều chúng ta dư sức làm được mà sao khó thế. Những cánh rừng xanh ngút ngàn, dòng sông trong suốt cá bơi lội tung tăng, những con heo rừng thong dong kiếm ăn nơi triền núi… là sự hoà hợp đến hoàn hảo giữa con người với tự nhiên. Trên các tuyến đường trải dài hàng ngàn km, nơi thôn quê, thành thị, nơi đông người nhộn nhịp… không có một mảnh giấy, cọng rác do con người xả ra. Một điều thú vị là khi chúng tôi thăm nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Nippon Steel & Sumitomo Meta, được hỏi về môi trường vị giám đốc nhân sự nhà máy cho biết rằng nếu ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép người dân sẽ kiện và chính phủ có thể yêu cầu đóng cửa nhà máy (doanh nghiệp sợ dân). Và những dòng xe ô tô kiên nhẫn chờ người đi bộ qua đường… mới thấy môi trường của đất nước Nhật đáng sống thế nào và con người là chủ thể được toàn xã hội tôn trọng, bảo vệ. Tuy vậy, ở đất nước văn minh, hiện đại, giàu có bậc nhất thế giới vẫn còn cảnh người vô gia cư (tuy không nhiều) sống dưới chân gầm cầu vượt ở Thủ đô Tokyo. Có lẽ đó cũng là hạn chế mà chủ nghĩa tư bản không thể nào khắc phục được.