Mục đích của việc thực hiện xin “Thư xin lỗi” là cơ quan hành chính phải có giải pháp thay đổi, cải cách thủ tục hành chính. Hay nói cách khác, đây là một biện pháp để giúp cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn, góp phần xây dựng chính quyền vì dân phục vụ…Tuy nhiên, về phía người dân, doanh nghiệp không mong muốn chỉ nhận được “Thư xin lỗi” từ cơ quan hành chính mà điều quan trọng là chỉ mong sao hồ sơ, công việc của họ được giải quyết rốt ráo chứ không phải lời xin lỗi suông rồi thôi!. Một số người dân còn cho rằng, nếu chính quyền thực hiện việc gửi thư xin lỗi cho người dân khi có chậm trễ hay sai sót về thủ tục hành chính thì quá tốt,người dân sẽ cảm thấy được tôn trọng. Điều đáng quan tâm là, nếu chỉ làm theo kiểu hình thức thì không nên, cần nhất vẫn là thực chất…
Cán bộ UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước) tiếp công dân tại bộ phận “một cửa”. Ảnh V.M
Thực ra, lời “cảm ơn” hay “xin lỗi” từ lâu đã là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa, là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội. Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, mà còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, lời cảm ơn và xin lỗi có chiều hướng giảm trong giao tiếp xã hội. Đặc biệt trong các cơ quan công quyền, nhất là bộ phận thường xuyên giao tiếp với người dân lại càng “thưa vắng” những lời lẽ ra là phải “thường trực”- nói như dân gian là ở ngay cửa miệng- để làm hài lòng người dân. Không đâu xa, “va chạm” nhiều nhất thường là giữa cán bộ công tác tại văn phòng đăng ký đất đai với tổ chức, công dân. Đành rằng thủ tục được niêm yết công khai theo quy định, thời gian giải quyết rõ ràng, cụ thể theo từng loại công việc… nhưng đâu phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”!. Tâm lý chung: Người dân hay nôn nóng nhưng lại ít chịu tìm hiểu đầy đủ thủ tục để bảo đảm hồ sơ “hợp lệ”, ngược lại một số cán bộ tiếp dân hoặc thiếu trách nhiệm, hoặc “non” nghiệp vụ…nên khi kiểm tra hồ sơ thấy thiếu không những không hướng dẫn cụ thể mà vẫn tiếp nhận dẫn đến tình trạng để người dân đi lại nhiều lần bổ sung hồ sơ, gây phiền hà. Lại có chuyện đúng ngày hẹn trả hồ sơ, người dân đến nhận thì chưa có với lý do đưa ra “khó” thuyết phục rằng “tại”, “bởi”…lãnh đạo đi vắng nên…chưa ký!. Đúng ra, nếu có lời xin lỗi và giải thích thấu đáo thì hay biết bao nhiêu, đàng này ngược lại “không gì cả” nên người dân “ôm cục tức” về nhà với lời tự an ủi rằng “qua sông đành phải lụy đò” mà thôi…
Ca dao nước ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nay, cái sự lựa lời này nôm na là phải biết nói và sử dụng lời “cảm ơn” hay lời “xin lỗi” và xem đây một trong những chuẩn mực của việc thực hiện hành vi ứng xử văn hóa, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Mong sao, cái hay trong cách làm của TP. Hồ Chí Minh đã nêu trên được lan tỏa đến nhiều địa phương. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không ít lần chỉ đạo: Phải thực sự hành động vì dân với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TD