Lời người xưa dạy

(NTO) Khi rỗi rãnh, tôi thường làm “chú tài” đưa bà-tụi-nhỏ đi chợ làng. Nơi tôi ở chỉ cách trung tâm phố thị vài ba cây số, nhưng là vùng ven, cuộc sống bà con còn thuần nông, nên tôi thường gọi là làng, là quê cho thân thương, gần gũi. Gọi là chợ làng, chợ quê nhưng trông chợ cũng sầm uất lắm. Từ các sạp hàng tạp hóa đa dạng sản phẩm cho đến các quầy hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau quả… Chưa kể các quầy hàng ăn uống, ăn vặt, ăn nhanh vô cùng phong phú các món mà các mẹ, các chị (kể cả các anh, các chú, các bác) luôn ghé thăm mỗi khi tới chợ! Đó là chưa kể xe của các doanh nghiệp “đưa hàng Việt về nông thôn” có các em tiếp thị chào mời bà con, làm cho không khí chợ làng có hơi hướm… phố thị đông vui.

Trong khi chờ bà-nó vào chợ, tôi gặp chú em nông dân cũng hay dừng xe tại đây để vào chợ quê… Gặp mặt mãi quen, mới biết bạn này là “lão nông” dù tuổi mới trên bốn mươi tí chút. Sáng nay, chú ấy chạy chiếc Exciter 150 đời 2016 với giá thị trường khoảng gần 50 triệu đồng, mới “cáu cạnh” nhưng dính đầy bùn đất. Chú em cho biết, mình mới đi thăm ruộng về. Qua thăm hỏi, mới biết ông bạn này đang canh tác một sào lúa, năm chỉ 2 vụ, còn vụ mùa thì bỏ hoang vì mùa này thường hay ngập úng. Mặc dù đầu tư các loại giống năng suất cao, phù hợp chân ruộng như các giống TH ở Nha Hố, ML ở Ma Lâm… và các giải pháp tích cực khác, “lão nông” này cho biết mỗi vụ chỉ thu lãi 2,1-2,3 triệu đồng nếu… ông trời thương. Năm làm 2 vụ, thu cao lắm 4,5 triệu đồng, bình quân thu nhập mỗi tháng chỉ 375 ngàn đồng là cùng cho gia đình hai vợ chồng và hai con đang tuổi ăn học…! Tôi mới hỏi, nếu chỉ thế sao chú mày sống giỏi thế, hay là bán quách sào ruộng cho rồi để đầu tư làm ăn chuyện khác, đất đai lại đang có giá có phải hay hơn không? Chú em “lão nông” cười khà khà: Ấy, ấy, sao bác nói thế, làm ruộng chẳng qua là đánh bạc với ông trời thôi, chỉ đủ ăn là may mắn lắm, chứ chưa có ai giàu được bao giờ… Nhưng ông bà mình đã nói “phi nông bất ổn” bác ơi, có bồ lúa trong nhà là… sống “chắc gạo”, có cái ăn, ổn định cái bụng, không thể đói được nhé, thành ra nhà em cứ bám ruộng đồng quanh năm, bỏ sao được mà bỏ, bác trai!

Tôi nghĩ bụng, chú em này hay thật đấy… Chờ hắn nói chuyện điện thoại làm ăn với ai đó xong, tôi chỉ vào cái xe máy xịn và chiếc iPhone 6 bóng mượt hắn cầm tay, tôi hỏi: Thế sao mà chú em “tậu” được các thứ đắt tiền này, hay thế…? “Lão nông” phá lên cười khoái trá và chỉ tay vào trong chợ: Đó, đó bác ạ. Bà xã đang có cái sạp tạp hóa to đùng ở trỏng, bác nghĩ coi, người xưa đã nói thì chả ai dám bảo sai bao giờ, “phi thương bất phú” bác ơi. Làm nông chỉ là mới bảo đảm, mới vững cái bụng thôi nhé, còn muốn làm giàu chính đáng thì phải ra buôn bán, có đồng ra đồng vào, tích cóp dần dần mới nâng được chất lượng cuộc sống lên cao. Giờ thì cũng chưa giàu có gì, nhưng cũng dư dả chút ít để còn nuôi nấng, cho hai con ăn học đàng hoàng… Thấy chú em vui tính, tôi mạnh dạn hỏi thăm việc học của các cháu thì mắt “lão nông” sáng lên: Em đang đầu tư cho các cháu đủ sức, vững tin bước vào đại học đó bác. Cuộc sống gia đình mình ổn định rồi thì mình phải có trách nhiệm đóng góp nguồn nhân lực, tri thức cho xã hội chứ, “phi trí bất hưng” mà, phải làm cho đất nước mình hưng thịnh, phú cường lên chứ, phải không bác…!

A ha, thì ra “lão nông” này ghê gớm thật, luôn dựa vào lời chỉ dạy của nhà bác học Lê Quý Đôn khả kính để làm kim chỉ nam cho cuộc sống của gia đình mình: “Phi nông bất ổn, phi thương bất phú, phi trí bất hưng”. Có ai dám nói nông dân quê mình ngày nay chỉ biết mỗi cái việc cày sâu cuốc bẫm mà thôi, bà con ta nhỉ?!