Lung linh sắc màu vườn nho Phước Hậu

(NTO) Trước ngày diễn ra Lễ hội Nho và Vang - Ninh Thuận 2016, về xã Phước Hậu (Ninh Phước) chứng kiến không khí rộn ràng vui tươi của những hộ trồng nho. Các nhà vườn nhận thấy đây là cơ hội quảng bá sản phẩm nho nên chú tâm chăm chút từng chùm nho để đón du khách đến tham quan. Trong nắng vàng ban mai, bước vào những vườn nho chín mọng, ngan ngát hương vị ngọt ngào, hẳn du khách sẽ rất hào hứng.

Tại thôn Trường Sanh, vùng trọng điểm trồng nho của xã, quanh con đường bê- tông liên thôn mới mở, xen lẫn giữa cánh đồng lúa vàng là những vườn nho trĩu quả, trải dài. Đã xa rồi thời nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không giới hạn để phòng bệnh cho cây trồng, thay vào đó là những vườn nho sạch được che chắn cẩn thận. Anh Lưu Quang Vinh, cán bộ khuyến nông xã, cho biết: Các hộ trồng nho hiện nay đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng quy trình VietGAP, nên chất lượng và năng suất cây nho tăng cao hơn trước, cuộc sống của bà con nhờ đó ngày càng khấm khá.

 
Nông dân xã xã Phước Hậu (Ninh Phước) trồng nho xanh theo quy trình VietGAP cho thu nhập cao. Ảnh: V.M

Ghé vào thăm nông dân sản xuất giỏi Phạm Văn Thành, nghe kể chuyện làm giàu từ trồng nho mới thấy được mô hình trồng nho sạch đã nâng cao được giá trị đơn vị diện tích đáng kể. Trước đây, anh trồng 2 sào nho giống cũ, mỗi năm cắt 3 lứa được 9 tấn, trái nho nhỏ lại có vị chua, nên thương lái mua giá thấp, lời lãi chẳng bao nhiêu. Từ năm 2010 đến nay, khi được Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố hỗ trợ giống nho mới NH01- 48, có màu xanh và hương vị đặc trưng, năng suất cao gần gấp đôi giống nho cũ, đã nâng nghề trồng nho nơi đây lên tầm cao mới. Nông dân coi trọng làm ra sản phẩm người tiêu dùng cần, chứ không sản xuất “theo cảm tính” như trước. Quả nho trồng theo quy trình VietGAP thương lái mua tận giàn cao gấp đôi so với phương thức canh tác cũ.

Phước Hậu là nơi “phát tích” nghề trồng nho của cả tỉnh, bởi ở đây có dải đất phù sa dọc theo bờ Bắc sông Quao màu mỡ. Ông Huỳnh Minh Trọng, cả cuộc đời gắn bó với cây nho, tâm sự: Thời điểm năm 1990, nho được ví là loại cây trồng “nữ hoàng”, giúp nhiều hộ dân giàu có. Mặc dù gần đây có một số hộ canh tác thêm cây táo, nhưng cây nho vẫn được xác định là cây trồng chủ lực, giá trị kinh tế cao nhờ hương vị của loại trái cây này trồng trên đất phù sa ven sông Quao có vị ngọt thanh tao ít nơi nào sánh kịp. Nghề trồng nho ở Phước Hậu ngày càng phát triển, nhà nông đang chuyển hướng thay đổi giống nho đỏ thoái hóa bằng giống nho xanh cho năng suất cao. Hiện nay diện tích nho ở Phước Hậu trên 40 ha, trong đó, nho xanh chiếm gần 50%.

 
Nông dân xã Phước Hậu phân loại nho trước khi xuất bán ra thị trường. Ảnh: T.L

Có đi nhiều nơi trong tỉnh mới biết hoạt động trồng nho ở Phước Hậu mang đậm dấu ấn “kinh tế vườn”, ấy là những giàn nho nằm ngay trong khuôn viên nhà ở. Vì bước chân ra khỏi nhà là đến vườn nho, nên gia chủ có thể tranh thủ mọi lúc để chăm sóc nho, nhàn nhã không phải “một nắng hai sương” mà vẫn có thu nhập cao. Và cũng chính ở trong môi trường đó, hầu hết người dân ở các thôn Trường Sanh, Trường Thọ từ già đến trẻ đều biết cách chăm sóc cây trồng ra những chùm nho "rút". Họ biết canh thời tiết, cắt cành để giàn nho ra trái đúng mùa lễ hội. Có dịp về Phước Hậu, lạc vào những vườn nho xanh mướt trải dài, chúng ta được đắm mình ngắm nhìn những chùm nho chín mọng đọng những giọt sương lung linh trong nắng ban mai. Và thú vị hơn, là được trải nghiệm ở một môi trường lao động sáng tạo, được người dân địa phương tận tình hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây nho theo quy trình VietGAP.