Có thể nói 5 năm trước, chuyện truy cập thông tin trên Internet dường như còn rất xa lạ đối với người dân miền núi của tỉnh. Vậy mà giờ đây, những nông dân người dân tộc Raglai như anh Ja Kia Mạnh (thôn Tà Dương, xã Phước Thái, Ninh Phước) đã có thể tự tin vào Internet để tìm kiếm thông tin phục vụ sản xuất. Là người đầu tiên ở thôn Tà Dương trồng lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, anh Mạnh bắt đầu gieo sạ lúa bằng máy và không lấy lúa thương phẩm để gieo như trước đây. Theo cách làm này, gia đình anh giảm được 50% lượng giống. Với mô hình “1 phải, 5 giảm”, không chỉ giảm chi phí đầu vào, mà còn tăng thu nhập nhờ năng suất và chất lượng lúa tăng. Tất cả kiến thức trên là do anh tìm hiểu trên Internet mà nông dân các địa phương khác đang thực hiện có hiệu quả. Theo chân anh, chúng tôi ra đồng lúa của gia đình đang phát triển tốt, chỉ tay vào những gié lúa to trong giai đoạn “mang sữa”, anh Mạnh chia sẻ: Từ khi biết ở xã có Internet công cộng, mình tìm đến truy cập, học hỏi kinh nghiệm mô hình ở các địa phương khác để áp dụng vào sản xuất. Đặc biệt là chương trình “1 phải, 5 giảm” áp dụng trên cây lúa, các địa phương khác đã thực hiện lâu rồi, nhưng riêng đồng bào Raglai thì chưa nắm kỹ.
Nông dân xã Phước Thái (Ninh Phước) tìm hiểu thông tin trên Internet để nâng cao
dân trí và ứng dụng hiệu quả vào sản xuất.
“Trong 2 vụ liền (đông-xuân và hè-thu năm 2015) tự học theo mô hình “1 phải, 5 giảm” theo đúng như hướng dẫn trên Internet, mình tính toán, ngoài lượng giống giảm, phân bón cũng giảm 15%, lượng nước tưới giảm gần 40% và giảm được khoảng 3,8% thất thoát trong khâu thu hoạch. Tất cả kinh nghiệm này, mình đều chia sẻ với bà con trong xã. Và khuyên bà con nên tích cực tìm hiểu thông tin bổ ích trên Internet, nhất là những kiến thức về khuyến nông, những mô hình hay, cách làm mới phù hợp với điều kiện nắng hạn của tỉnh. Việc chọn lọc, tích lũy kiến thức qua Internet còn nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho mọi người”–anh Ja Kia Mạnh chia sẻ thêm.
Nhiều nông dân ở xã Phước Thái cũng chia sẻ, từ ngày có mạng Internet ở xã rất tiện lợi cho bà con tra cứu trên mạng và áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tại UBND xã Phước Thái, được trang bị một phòng Internet gồm 5 máy vi tính bàn nối mạng để người dân đến truy cập miễn phí. Xã còn cử 1 cán bộ quản lý, trực tiếp hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người dân khi đến điểm truy cập Internet công cộng của xã. Do được phục vụ miễn phí và mở cửa tất cả các ngày trong tuần nên người dân rất thuận tiện khi đến truy cập Internet.
Nhiều địa phương cũng tăng cường các chương trình hỗ trợ cho nông dân truy cập Internet. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, nhiều năm liền, ngành đã cố gắng đưa thông tin đến gần với người dân hơn. Đơn cử như: Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” (BMMF), được triển khai tại 15 thư viện và 18 bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh, với 205 bộ máy tính được lắp đặt, hiện nay vẫn đang duy trì hoạt động tốt. Cùng với đó, ngành đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Chương trình viễn thông công ích cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 21-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1122/QĐ-TTg ngày 5-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Từ những thông tin hướng dẫn qua Internet, đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cho nông dân. Tin rằng, việc đưa Internet về miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là giải pháp đưa tiến bộ khoa học-kỹ thuật để người dân tiếp cận nhanh và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Phan Hiếu