“Nữ hoàng” trên vùng đất nắng!

(NTO) Cây nho là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của nhiều nước trên thế giới. Đối với Ninh Thuận, có thể nói du khách không chỉ được biết đến như một tỉnh cực Nam Trung Bộ đầy tiềm năng, những thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Cà Ná, bãi tắm Ninh Chử với làn nước trong xanh và bãi cát trắng trải dài; với những ngôi tháp Pôklong Giarai và Pôrômê nổi tiếng của nền văn hóa Chăm, với những cồn cát Nam Cương và mũi Đá Vách,... mà còn được biết đến là những "cánh đồng" nho được trồng trên vùng đất khô hạn nhất cả nước. Có lẽ vậy nên nhiều người “yêu nho” đã ví von cây nho như “nữ hoàng” trên vùng đất nắng!.

Cây nho đã được du nhập vào Ninh Thuận từ những năm 1960 và trồng thử nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật nông nghiệp Nam Trung Bộ (Nha Hố, huyện Ninh Sơn). Từ những năm 1980 trở lại đây, cây nho mới thực sự trở thành cây sản xuất hàng hóa và là dòng cây đặc sản của tỉnh, chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Giá trị kinh tế của cây nho chưa kể chế biến và các dịch vụ khác đi kèm chiếm khoảng 13,6% tổng giá trị sản xuất trong nông nghiệp, trong khi diện tích trồng nho chỉ chiếm gần 3% tổng diện tích đất nông nghiệp. Cây nho không những góp phần giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu và cải thiện mức thu nhập của người dân địa phương. Nho Ninh Thuận nổi tiếng còn do đặc điểm hài hòa của các vị: Vị chua ngọt rất dịu hài hòa với vị chát nhẹ, kết hợp với đặc điểm là trái mọng nước căng cứng khi ăn tạo cảm giác ngon miệng, đậm đà khó quên!...

 
Cây nho cho giá trị kinh tế cao, bảo đảm đời sống nông dân trên địa bàn tỉnh.   Ảnh: V.M

Tính đến nay, diện tích trồng Nho ở Ninh Thuận gần 1.200 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Nho được trồng ở Ninh Thuận với nhiều giống cho năng suất và chất lượng cao và ổn định, chiếm diện tích nhiều nhất là giống nho đỏ Red Cardinal, với trên 90% diện tích trồng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích trồng nho toàn tỉnh lên 2.200 ha, trong đó có 1.000 ha trồng nho giống mới chất lượng cao và 1.200 ha trồng giống nho đỏ (Red Cardinal) trên cơ sở giống đã phục tráng, nhằm tạo được vùng nho có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng tổng sản lượng bình quân lên 55.000 tấn/năm. Tỉnh ta đã có “tập đoàn” giống nho phong phú với trên 176 giống được lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Các giống đưa vào sản xuất nho ăn tươi chiếm 98%, còn lại là nho làm rượu, một số giống đã đưa vào canh tác đại trà như Red Cardinal, NH 01-48 và một số giống mới đang trồng thử nghiệm (Black Queen, Italia, Red Star, Patchong, NH 01-152, NH 01-153…) đang đưa ra sản xuất.

Nho được tiêu thụ trên thị trường thế giới dưới 3 dạng sản phẩm chủ yếu là: Chế biến rượu vang với trên 70% tổng sản lượng; 27% sử dụng cho ăn tươi, còn lại dùng cho chế biến nho khô, ngoài ra còn được sử dụng như thực phẩm dưới dạng đóng hộp và nước ép. Ở Việt Nam, nho chủ yếu được dùng để ăn tươi, một phần nhỏ được làm vang, rượu nho và chế biến các sản phẩm khác (mứt nho, mật nho). Về chế biến vang nho trên địa bàn tỉnh: tháng 9-2005, Công ty Cổ phần Vang Thăng Long đầu tư nhà máy chế biến vang nho đưa vào hoạt động năm 2008 tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) công suất thiết kế 2 triệu lít/năm; ngoài ra còn có các cơ sở chế biến vang nho trong tỉnh như: Trang trại nho Ba Mọi, cơ sở Thiên Thảo và cơ sở Viết Nghi... Mặt khác, trên địa bàn tỉnh còn có trên dưới 40 cơ sở nhỏ chế biến vang có quy mô hộ, công suất nhỏ và sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

 
Sơ chế nho tươi dùng để sản xuất vang nho tại Cơ sở Chế biến thực phẩm Viết Nghi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).
Ảnh: Văn Miên

Nhìn chung, ở Ninh Thuận đa số các cơ sở chế biến vang nho đều có quy mô nhỏ, sử dụng các biện pháp thủ công, truyền thống, người dân vẫn còn dùng nho ăn tươi để làm vang là chính, nên chất lượng vang chưa cao; chưa có hiệu quả kinh tế so với rượu vang của các tỉnh hoặc vang nhập nội. Công tác chuẩn bị vùng nguyên liệu sản xuất vang nho theo hướng công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chưa hình thành được vùng chuyên canh nho rượu...

Có thể nói, giá trị và lợi ích của “nữ hoàng xứ nắng” đã mang lại những tiềm năng phát triển to lớn cho sản phẩm này. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt cho tỉnh Ninh Thuận tiến hành xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho “Ninh Thuận” năm 2008-2010. Kết quả ngày 7-2-2012, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 194/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm nho. Kết quả này không chỉ là một sự chứng thực về một sản phẩm có chất lượng của Việt Nam, mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho Ninh Thuận - một vùng đất cực Nam Trung Bộ còn nhiều khó khăn. Đây còn là tiền đề để tiến hành mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nho trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo cơ sở cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ngành hàng, là sự khẳng định uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu, thực hiện các mục tiêu chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.