(NTO) Nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu tại Ninh Thuận, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, môi trường luôn được quan tâm hàng đầu. Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng nước ít là công việc cấp thiết và đúng đắn, nhằm tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, góp phần phát triển bền vững.
Mô hình sản xuất hạt giống bắp lai F1 chuyển đổi trên chân đất lúa tại Nhị Hà, Thuận Nam.
Tuy nhiên, để tìm được hướng đi bền vững cho cây trồng chuyển đổi hiện vẫn còn nhiều thách thức. Chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa không đơn giản là thay đổi giống cây trồng này bằng một giống cây trồng khác, mà còn liên quan đến rất nhiều vấn đề. Trong phạm vi bài viết, xin đề cập đến một số vấn đề sau:
Một là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải xác định đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng nhằm tiết kiệm nguồn nước, mùa vụ hợp lý... Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm hoàn chỉnh việc khảo sát và quy hoạch tiểu vùng, phân vùng sản xuất nông nghiệp cụ thể, xác định vùng nào, địa phương nào, vụ nào do biến đổi khí hậu (thiếu nước sản xuất) chuyển sang cây trồng khác sử dụng ít nước có hiệu quả hơn.
Hai là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải trên cơ sở tình hình thực trạng kết cấu hạ tầng của từng vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Ba là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn với thị trường (đầu ra cho sản phẩm nông sản vừa ổn định, hiệu quả), hình thành liên minh giữa doanh nghiệp và nông dân để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất để phát triển các cây trồng có lợi thế trên đất lúa kém hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong giai đoạn đầu của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lãnh đạo các cấp cần phải đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và thực hiện để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao nhất.
Bốn là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập cho Nhân dân, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập cao và ổn định.
Năm là, tăng cường chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học-kỹ thuật đến tận người dân, đi sâu xây dựng các mô hình mới, sản xuất tiên tiến, hiện đại..., phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông: Tuyên truyền các điển hình sản xuất có hiệu quả, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng nhân rộng trong sản xuất; hướng dẫn cho người nông dân về các giải pháp đồng bộ cho việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, chính sách...
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành và Nhân dân cần chung tay, góp sức giải quyết đồng bộ các vấn đề nêu trên, góp phần cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu của Ninh Thuận nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung phát triển ổn định và bền vững trong thời gian đến.
Phan Công Kiên
Viện Nghiên cứu Bông & PTNN Nha Hố