Phát triển vùng rau an toàn- Bài toàn khó từ khâu tiêu thụ

(NTO) Rau là nhu cầu tất yếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Trước tình trạng thực phẩm bẩn hết sức phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng đã ý thức hơn trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm rau an toàn (RAT), chất lượng để bảo đảm sức khỏe chính mình và người thân. Tuy nhiên có sự mâu thuẫn, trong khi lượng RAT chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, thì việc mở rộng diện tích RAT lại vô cùng khó khăn.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng rau trên toàn tỉnh hằng năm trung bình từ 3.500-4.000ha, cung cấp cho thị trường khoảng 50.000-60.000 tấn. Vài năm gần đây, do hạn hán kéo dài, thiếu nguồn nước sản xuất, diện tích sản xuất rau đã giảm. Năm 2015, tổng diện tích trồng rau là 2.497ha; từ đầu năm đến nay, con số này là 1.766ha, trong đó riêng diện tích sản xuất RAT là 72ha, cho sản lượng khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, lượng rau ít ỏi này lại rất khó khăn trong khâu tiêu thụ. Được biết, khoảng 10% sản lượng RAT được các doanh nghiệp, siêu thị hợp đồng thu mua, số còn lại được bán cho các chủ vựa, tiểu thương chợ đầu mối đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hoặc nông dân tự tiêu thụ. RAT được bày bán ở chợ không nhãn mác, trà trộn với rau bình thường nên người tiêu dùng không phân biệt đâu là RAT, đâu là rau thường. Để được chứng nhận, RAT buộc phải tuân theo quy trình kỹ thuật, được kiểm tra chặt chẽ về điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm nhưng khi ra thị trường, giá bán lại ngang nhau, thậm chí RAT khó tiêu thụ hơn vì không mướt, xanh, đẹp hơn so với rau thường.

Bà con sản xuất rau an toàn tại phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Điển hình như tại HTX RAT và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải có 15ha RAT, mỗi ngày cung cấp cho thị trường khoản 10 tấn rau, củ quả các loại, tuy nhiên HTX chỉ cung cấp cho Siêu thị Co.opMart Thanh Hà khoảng 1 tạ, trong đó có khoảng 60-70kg rau ăn lá, số còn lại bán cho các tiểu thương, đầu nậu. Ông Nguyễn Văn Trinh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: Thực ra việc cung cấp rau cho siêu thị chỉ nhằm giữ nhãn hiệu tập thể mà HTX dày công xây dựng. Giá bán cho siêu thị chỉ nhỉnh hơn chút ít so với giá bán cho các tiểu thương, đầu nậu, do có thêm chi phí vào bao bì sản phẩm, in nhãn mác. Chúng tôi rất muốn mở rộng vùng trồng RAT, thu hút nhiều nông hộ tham gia, song do không tìm được doanh nghiệp hợp đồng thu mua nên đành phải bán cho các tiểu thương để sản phẩm của mình trôi nổi, trà trộn với các loại rau bình thường khác tại các chợ.

Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các giải pháp như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, triển khai các dự án sản xuất RAT, thậm chí đưa các dự án sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP… nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích bà con mở rộng, áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất RAT. Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Ngoài HTX RAT và Dịch vụ tổng hợp Văn Hải, toàn tỉnh đã thành lập một số tổ sản xuất RAT tại các thôn: Tuấn Tú, Nam Cương (xã An Hải, Ninh Phước); Ninh Quý (xã Phước Sơn, Ninh Phước); Hộ Hải, An Xuân 3 (xã Xuân Hải, Ninh Hải), nhưng qua một thời gian hoạt động, đến nay, các tổ hợp tác hầu như không còn hoạt động. Nhiều dự án sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện với khoản kinh phí không nhỏ, nhưng khi dự án kết thúc, các hộ tham gia không tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất mới, mà dần quay lại phương thức sản xuất truyền thống, cũng bởi sản phẩm làm ra không có doanh nghiệp bao tiêu, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, để được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải bỏ hàng chục triệu đồng thuê đơn vị có thẩm quyền, chuyên môn đến đo đạc các điều kiện tự nhiên như môi trường, nguồn nước, đất đai, kiểm tra thường xuyên quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất đội lên rất cao…

Khó khăn đầu ra đối với RAT một phần còn xuất phát từ phía người tiêu dùng. Mặc dù muốn lựa chọn, sử dụng sản phẩm RAT, nhưng chính người tiêu dùng cũng chưa trang bị kiến thức cho chính bản thân làm thế nào nhận diện được RAT và rau không an toàn; tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh, mướt, giá rẻ nên dễ bị nhầm lẫn. Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có một số gian hàng bán RAT nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó phải đóng cửa vì lượng khách đến mua quá ít.

Suy cho cùng, khó khăn trong tiêu thụ là nguyên nhân chính cản trở phát triển vùng trồng RAT. Để tháo gỡ vấn đề này, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu RAT cho các vùng sản xuất. Muốn làm được điều này, về phía nông dân phải nâng cao ý thức, tuân thủ triệt để các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất; đồng thời, tổ chức kiểm tra chất lượng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ tạo nên chuỗi cung cấp sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh: Phát triển vùng trồng RAT, đưa sản phẩm rau sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến với người tiêu dùng là vấn đề các cấp, các ngành cần hết sức quan tâm. Vừa qua, UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất RAT trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đến năm 2020 tăng diện tích RAT lên trên 2.000ha, với sản lượng 160.000 tấn/năm. Trong đó, tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp về thị trường tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm… Để thực hiện tốt quy hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục xây dựng Dự án “Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất RAT tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận” và được trình lên tỉnh để giới thiệu, kêu gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016. Trước mắt năm 2016, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và triển khai 7 mô hình thí điểm sản xuất RAT tại 7 huyện, thành phố, với tổng diện tích 5ha trên các loại cây trồng: Hành lá, cà chua, cà rốt, củ cải và cải ăn lá. Trong quá trình thực hiện quy hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhất là trong việc xây dựng thương hiệu, nguồn vốn đầu tư, tuy nhiên nếu có sự quyết tâm, đồng thuận cao, phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, bà con nông dân, tin rằng sẽ đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra.