Được biết, tổ trưởng các tổ vay vốn cơ sở đều là cán bộ HND, HPN tại địa phương nên hiểu rõ hoàn cảnh kinh tế của từng hộ dân trong thôn xóm, khu dân cư. Điều này đã giúp cho ngân hàng an tâm hơn trong việc lựa chọn, đưa đồng vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng để phát huy hiệu quả. Thông qua tổ vay vốn, nhiều nông dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống. Từ nhiều năm nay, 2 tổ vay vốn HND ở khu phố 10 (thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) và thôn Long Bình 1 (xã An Hải, Ninh Phước) được coi là điển hình trong công tác “dẫn vốn” của Agribank đến với hội viên. Sau nhiều năm hoạt động, 2 tổ vay vốn này luôn được đánh giá cao nhờ sử dụng vốn vay hợp lý và thanh toán nợ, lãi đúng kỳ hạn; không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn cũng như nợ đọng…
Nhờ nguồn vốn của Agribank Ninh Phước, anh Nguyễn Văn Nhánh (thôn Long Bình 1, xã An Hải, Ninh Phước)
đã đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Nói về hiệu quả hoạt động của tổ vay vốn, ông Trần Văn Biên, Tổ trưởng Tổ vay vốn HND khu phố 10 (thị trấn Phước Dân), cho biết: Hiện nay, tổ vay vốn có trên 150 thành viên với tổng số vốn vay gần 10 tỷ đồng. Hầu hết, vốn vay được các nông hộ sử dụng để trồng nho, táo và chăn nuôi bò, dê, cừu. Thời gian qua, do tình hình hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn tuy chưa cao nhưng vẫn được duy trì. Các hội viên trong tổ vay dao động từ 20-700 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn đã giúp cho các nông hộ trên địa bàn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Ông Đỗ Hồng Hoa, thành viên tổ vay vốn, chia sẻ: “Trước kia, gia đình trồng táo, nhưng không mang lại hiệu quả. Tháng 4-2016, thông qua tổ vay vốn HND, gia đình đã vay 150 triệu của Agribank Ninh Phước để trồng 1ha nho xanh, với lãi suất 10%/năm và thời gian đáo hạn là 2 năm. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình đã có điều kiện mở rộng sản xuất, chuyển đổi cây trồng trong mùa nắng hạn, mặc dù mới chỉ vay trong thời gian ngắn, vốn vay chưa mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng gia đình rất tin tưởng và mong rằng trong thời gian tới, ngân hàng và các cấp hội sẽ tạo điều kiện để gia đình có cơ hội nâng mức vay, mở rộng sản xuất, góp phần cải thiện kinh tế”. Thông qua tổ vay vốn và được các tổ chức đoàn thể giúp đỡ, nông dân đã được cung ứng vốn nhanh chóng, kịp thời, để từ đó đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ 50 triệu đồng vay của Agribank Ninh Phước vào đầu năm 2016, anh Nguyễn Văn Nhánh (thôn Long Bình 1, xã An Hải) đã đầu tư trồng 3 sào nho xanh và nuôi dê. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và biết tận dụng phế phẩm của cây nho, táo để nuôi dê, nên 3 sào nho của gia đình anh đã cho thu nhập vụ đầu tiên, đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện nay, thông qua thỏa thuận liên ngành giữa HND, HPN huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Agribank Ninh Phước, trên địa bàn 2 huyện đã thành lập được 115 tổ vay vốn, với 7.771 thành viên, tổng số vốn đã giải ngân hơn 292,3 tỷ đồng. Việc thực hiện tín chấp cho hội viên HND, HPN thông qua tổ vay vốn là mô hình không những giúp bà con tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay, mà còn tạo điều kiện liên kết, tương trợ giúp đỡ nhau giữa các hộ sản xuất và xây dựng các tổ chức hội, đoàn thể vững mạnh. Đồng thời, mô hình cũng giúp ngân hàng triển khai cho vay thuận lợi, bảo toàn được nguồn vốn.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Agribank Ninh Phước nói riêng và Agibank Ninh Thuận nói chung cần phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ, lãi; phối hợp xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của các tổ vay vốn một cách chặt chẽ…
Ông Huỳnh Ngọc Thắng, Tổ trưởng Tổ vay vốn Hội Nông dân thôn Long Bình 1 (xã An Hải, Ninh Phước):
Hiện nay, tổ vay vốn do tôi phụ trách có 120 thành viên, với tổng số vốn vay trên 3 tỷ đồng. Hầu hết, vốn vay được hộ dân sử dụng để trồng nho, táo và chăn nuôi dê, bò, cừu. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng đã giúp nhiều thành viên trong tổ thoát nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho gia đình n
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngà,
Tổ trưởng Tổ vay vốn Hội Phụ nữ thôn Phước Thiện 2 (xã Phước Sơn, Ninh Phước):
Tháng 3-2016, gia đình tôi vay 200 triệu đồng từ Agribank Ninh Phước để trồng 3 sào táo và mua 5 sào đất. Mặc dù thời gian vay chưa lâu, hiệu quả nguồn vốn chưa rõ rệt, nhưng nhờ có nguồn vốn đã giúp gia đình tôi có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất.
Mai Dũng