Phóng viên: Sau một thời gian nắng hạn kéo dài, gần đây trên địa bàn tỉnh đã có mưa ở một số địa phương, đồng chí có thể cho biết lượng nước tích ở các hồ chứa có được cải thiện?
|
Đồng chí Hoàng Văn Hùng Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh |
- Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, tổng lượng mưa vùng ven biển từ 10-30mm, vùng núi từ 40-60mm. Đặc biệt, có 2 cơn mưa vào cuối tháng 6 tương đối lớn, bổ sung nguồn nước đáng kể cho các hồ chứa. Cụ thể, tổng lượng nước ở 20 hồ chứa trên toàn tỉnh tính đến ngày 29-6 đạt 37 triệu/192,42 triệu m3, tăng 10 triệu m3 so với đầu tháng 6. Trong đó, đáng kể là hồ Tân Giang (Thuận Nam) từ dưới 1 triệu m3 đã tăng lên 6,1 triệu m3, hồ Bà Râu (Thuận Bắc) lượng nước cũng đạt 1,23 triệu m3.
Công trình thủy lợi hồ Bà Râu có sức chứa 4,6 triệu m3 nước tưới cho 500 ha đất canh tác của nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc). Ảnh: V.M
Phóng viên: Như vậy, theo đồng chí, trong điều kiện nguồn nước ở một số hồ chứa không còn khan hiếm như đầu vụ, kế hoạch sản xuất vụ hè-thu có sự điều chỉnh không?
- Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Đầu vụ hè-thu (giữa tháng 5) do ảnh hưởng của hạn hán, các hồ chứa không đủ nước tưới, nên một số khu vực phải ngưng sản xuất. Theo đó, kế hoạch vụ hè-thu toàn tỉnh gieo trồng 16.598ha; trong đó, lúa 10.411,2ha, số còn lại là rau màu các loại. Sau khi kiểm tra, xác định lượng nước hiện có ở các hồ, đập, Công ty đã phối hợp với các địa phương điều tiết nước luân phiên để nông dân giống xuống; đồng thời, khuyến cáo nông dân Thuận Nam không sản xuất lúa, dành nước ở các hồ chứa phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi gia súc.
Nông dân huyện Ninh Phước chăm sóc cây bắp lai. Ảnh: NAT
Tuy vậy, trước tình hình thời tiết có chuyển biến tích cực, huyện Thuận Nam đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè-thu. Theo đó, huyện đề nghị tỉnh cho gieo sạ 600ha ở khu vực hưởng lợi từ hồ Tân Giang, tập trung ở xã Phước Hà, Nhị Hà. Huyện Thuận Bắc cũng đề xuất lấy nước từ hồ Bà Râu gieo trồng 60ha lúa ở cánh đồng Nhíp, thuộc thôn Bà Râu 1, Bà Râu 2 (xã Lợi Hải). Những năm trước, khi có mưa, nếu địa phương đề xuất Công ty sẽ mở nước cho bà con gieo sạ ngay. Nhưng từ cuối năm 2014 đến nay do hạn hán gay gắt, tỉnh đề ra chủ trương thu hẹp diện tích lúa, tăng cường các loại cây trồng cạn, do đó việc có tổ chức tái sản xuất ở những khu vực này hay không cần phải có sự thống nhất giữa các đơn vị chức năng và địa phương để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty, Trạm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện khẩn trương khảo sát ở những khu vực này để sớm quyết định có nên tiếp tục sản xuất hay không. Theo Công ty là nên cho bà con gieo sạ để không bị lãng phí nguồn nước ở hồ Tân Giang và hồ Bà Râu, vừa khắc phục được tình trạng nông dân tự phát sản xuất gây khó khăn cho công tác điều tiết nước, bảo vệ thực vật.
Nông dân HTX Long Bình làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè-thu. Ảnh: M.D
Phóng viên: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình hạn hán còn kéo dài đến tháng 9, để tiếp tục điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ hè-thu, Công ty đã triển khai những giải pháp nào để có hiệu quả nhất?
- Đồng chí Hoàng Văn Hùng: Hiện nay, Công ty đang phối hợp với các địa phương, các HTX nông nghiệp phân bổ nước tưới hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích cây trồng vụ hè-thu phát triển ổn định. Công ty cũng đã chủ động xây dựng lịch tưới cụ thể cho từng vùng, từng xứ đồng, áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm. Thực hiện nghiêm lịch điều tiết nước ở các Trạm Thủy nông huyện, vận hành điều tiết tưới “luân phiên” giữa các đập: Sông Pha, Nha Trinh, Lâm Cấm và xen kẽ trên các kênh chính ngay từ đầu vụ; đồng thời, chủ động trữ nước khi có mưa để đủ tưới suốt vụ. Tập trung tuyên truyền trong nông dân sử dụng, bảo vệ nguồn nước hợp lý, kịp thời gia cố, tu sửa kênh mương nội đồng, tránh bị rò rỉ, thất thoát nước.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Anh Tùng (thực hiện)