Sông Dinh

(NTO) “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình…” (*)

Một buổi chiều tháng Tư lộng gió, đứng trên cầu An Đông, ngay quãng giữa dòng sông Dinh đang tư lự hòa mình vào biển. Ở đoạn này, cứ nhìn chăm chăm xuống mặt nước, sẽ khó mà biết được nước đang chảy theo hướng nào. Gió thổi trên mặt sông tạo nên những làn sóng dập dìu lấp lánh đục màu phù sa. Nhớ lại cách đây 5 năm, cũng một buổi chạng vạng ánh hoàng hôn, đứng ở Trạm Biên phòng Đông Hải, dõi mắt về phía bên kia cửa sông, nhìn những ghe thuyền neo đậu trong ánh chiều yên ả, tôi tự hỏi bờ bên này cách bờ bên ấy bao xa? Những người yêu nhau sẽ chèo thuyền thúng qua hay họ đi đường vòng lên cầu Đạo Long để gặp người thương? Câu trả lời bây giờ thật đơn giản, vì sông Dinh đã có một cây cầu dây văng ánh hồng tựa như tơ trời lấp lánh trong nắng của xứ sở xương rồng.

Ảnh minh họa.

Chắc hẳn không chỉ với riêng cá nhân tôi mà với hầu hết những người con của vùng đất nắng gió Ninh Thuận, dòng sông Dinh luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim mỗi người. Tôi không có ký ức về những buổi trưa hè tắm sông hay những buổi xế chiều ngồi dưới gốc xoài bên bờ sông lể ốc. Kỷ niệm đầu tiên của tôi với sông Dinh là một trải nghiệm không mấy dễ chịu. Đó là năm tôi 7 tuổi, ba chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, đi qua sông Dinh trên cầu Móng. Đó là phần cầu phụ của cầu đường sắt, khá hẹp và được ghép từ những mảnh ván gỗ. Lần đầu tiên nhìn thấy một dòng sông to rộng và lại ở sâu phía dưới, tôi cảm thấy choáng ngợp và hãi hùng. Chiếc xe đạp cứ nảy lên trên những tấm ván và tôi đã đánh rơi 1 chiếc dép nhựa xuống sông. Vì quá sợ hãi mà tôi không dám lên tiếng, đến khi qua khỏi cầu mới nói với ba. Sau này, khi lớn lên, tự mình đạp xe đi học trên cây cầu Móng mới xây đẹp và rộng, tôi không còn sợ sông Dinh nữa, mà ngược lại, mỗi ngày đi qua đều cố ý đi thật chậm để nhìn ngắm ánh bình minh lấp loáng trên mặt sông vào buổi sớm mai. Thi thoảng có vài ba chiếc xuồng con bé xíu trên mặt sông như một bức tranh thật nên thơ và dịu dàng.

Đặc điểm địa hình với những dãy núi bao quanh một khu lòng chảo đã chi phối đến việc hình thành sông ngòi của vùng đất Ninh Thuận. Nước mưa từ các ngọn núi đổ dồn xuống thành khe suối, các khe suối này đều chảy về “rốn” của lòng chảo, tạo nên một con sông độc nhất là sông Dinh. Có lẽ vì vậy mà trong tâm thức của người dân Ninh Thuận, sông Dinh có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Sông Dinh còn có tên gọi khác là sông Cái, có chiều dài khoảng 100km, phát nguyên từ các dãy núi cao phía Tây Bắc của tỉnh, đổ ra biển. Có thể nói, dòng sông Dinh là tích hợp của các dòng suối nhỏ vùng đất này, chắt chiu nước từ những ngọn núi cao bao bọc xung quanh. Những dòng suối nhỏ len lách qua vách đá, uốn lượn theo dáng núi quanh co để chảy ra hợp thành sông Cái. Từ trên núi xuống đồng bằng, sông Cái thu nhận về mình nhiều phụ lưu trên đường nó qua. Sông Dinh ở khúc thượng nguồn có lòng sông hẹp, nhiều thác ghềnh, lòng sông nhiều đá, còn về hạ lưu lòng sông tuy mở rộng hơn nhưng lại không sâu. Thế nên sông Dinh không được dùng vào giao thông đường thủy mà chủ yếu để phục vụ tưới tiêu cho vùng đồng bằng ven sông.

Nhờ nguồn nước khá ổn định từ hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) nên lưu lượng nước tưới cung cấp cho hệ thống kênh Nam và kênh Bắc phục vụ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng ven sông được đảm bảo, giữ màu xanh tươi mát cho quê hương Ninh Thuận. Không dừng lại ở đó, sông Dinh đoạn thượng nguồn còn được tận dụng thủy năng để xây dựng nhà máy thủy điện. Và còn nhiều khu vực được khai thác cát, đá để phục vụ cho ngành Xây dựng. Dường như sông Dinh đang phải “cố gắng” để tạo ra các giá trị kinh tế cho vùng đất khắc nghiệt này. Hiền hòa, cần mẫn, gập ghềnh, nhưng những ai đã từng chứng kiến dòng nước hung tợn trong các cơn lũ sẽ hiểu rằng sông Dinh cũng có lúc giận dữ và đáng sợ vô cùng.

Nhưng đó nào phải “lỗi” của dòng sông?! Không thể “trách” Dinh giang, vì chúng ta “nợ” dòng sông quá nhiều thứ, từ những giá trị kinh tế đến những giá trị tinh thần. Chúng ta không chỉ được ban tặng những mướt xanh của ruộng rẫy, những bức tranh non nước đậm tình quê, mà chúng ta còn có dòng sông để bắc nên những nhịp cầu, có một dòng sông lặng lẽ dệt nên những ký ức đẹp đẽ nhất của tuổi thơ bằng biết bao êm đềm, diệu vợi n

(*) Lời bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ, của Hoàng Hiệp.