Ninh Thuận vững tin, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

(NTO) Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; được tách ra từ tỉnh Thuận Hải (cũ) và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-1992 trong bối cảnh hết sức khó khăn, với xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, các vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc. Sau 41 năm giải phóng, 24 năm tái lập tỉnh đến nay, với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng, cụ thể:

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng khá, tiềm năng và thế mạnh từng bước được nhận diện và phát huy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 1992-2015 là 8,9%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010: 10,7%/năm, giai đoạn 2011-2015: 11,2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng; tỷ trọng ngành nông-lâm-ngư nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 54,8% năm 1992 xuống 36,3% năm 2015; tương ứng công nghiệp, xây dựng tăng từ 15,8% lên 24,8% và dịch vụ tăng từ 29,4% lên 38,9% trong tổng GDP của tỉnh. Năm 2015, thu ngân sách đạt 1.883 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so năm 2010; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 75 triệu USD, gấp 1,6 lần so năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,48% năm 2010 xuống còn 5,7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo 2015), bình quân giảm 2%/năm, không còn hộ đói.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí: Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn;
Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công trình đập dâng
và kênh tưới Tân Mỹ thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, huyện Ninh Sơn (Tháng 2 - 2016).

Sản xuất nông-lâm nghiệp đạt nhiều thành tựu, tốc độ tăng trưởng bình quân 1992-2015 là 5,8%/năm, riêng giai đoạn 2006-2010 tăng 9,5%/năm và giai đoạn 2011-2015 tăng 5,9%. Thủy sản có tốc độ tăng trưởng khá, tăng bình quân 11,2%/năm, riêng giai đoạn 2011-2015 tăng 9,2%. Đang từng bước phát triển theo các chuỗi giá trị của tỉnh gắn sản xuất với thị trường, nhất là các sản phẩm có giá trị như bắp lai, nho, táo, tỏi, bò, dê và cừu. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 45%. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao của cả nước thực hiện có kết quả, đạt mục tiêu, sản lượng năm 2015 đạt 27,6 tỷ con giống, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Cơ sở hạ tầng nghề cá được đầu tư đã phát huy hiệu quả; năng lực khai thác tăng nhanh theo hướng đóng mới tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh trên biển. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 2.747 chiếc/274.846CV, tăng 1,04 lần về số tàu và 1,5 lần về công suất so với năm 2010; sản lượng khai thác hải sản tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010 và gấp 5,7 lần so với năm 1992.

Về công nghiệp-xây dựng, tốc độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn 1992-2015 là 14,8%/năm; giá trị sản xuất gấp 2,3 lần so năm 2010 và gấp 24 lần so năm 1992. Hình thành một số ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến nông-thủy sản, thực phẩm, đồ uống, sản xuất vật liệu xây dựng, muối công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản. Các lợi thế về phát triển năng lượng sạch đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đã có 8 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với công suất 637MW, một số dự án đang triển khai. Ngoài ra, tỉnh đã được đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước 4 khu công nghiệp với quy mô hơn 1.700ha, trong đó Khu công nghiệp Thành Hải đã lấp đầy 60%, Khu công nghiệp Cà Ná-Dốc Hầm đang kêu gọi nhà đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư, góp phần phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà trong thời gian tới.

Các hoạt động dịch vụ, du lịch có bước phát triển. Tiềm năng du lịch được phát huy đúng mức, nhất là du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Thông qua quy hoạch đã xác định đầu tư để hình thành 5 khu du lịch biển, 2 khu du lịch sinh thái và khu du lịch văn hóa tháp Po Klong Grai. Những năm gần đây, công tác xúc tiến và khai thác các tour du lịch tốt hơn, với tour khách nước ngoài dài ngày, gắn với các điểm du lịch văn hóa, làng nghề, du lịch sinh thái nên thu hút khách du lịch tăng khá; đến cuối năm 2015 đạt trên 1,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010, tăng bình quân 16,2%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 8%. Tỉnh đang tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

 
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trên đường phát triển.

Cùng với phát triển sản xuất, kinh doanh và các hoạt động dịch vụ du lịch, công tác thu hút nguồn lực đầu tư cũng có nhiều khởi sắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 đạt 33.155 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so giai đoạn 2006-2010 và gấp 26 lần so với 10 năm giai đoạn 1991-2000; môi trường đầu tư cải thiện đáng kể, cùng với tác động lan tỏa từ các hội nghị xúc tiến đầu tư các năm 2009 và năm 2011, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư một số dự án có quy mô lớn về lĩnh vực tỉnh có lợi thế. Trong đó nổi bật là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 2 lần so giai đoạn 2006-2010 về số vốn, mở ra nhiều triển vọng mới cho các năm tới. Nhiều dự án đầu tư hoàn thành và phát huy hiệu quả, tăng năng lực sản xuất mới đóng góp cho tăng trưởng, như Dự án Nhà máy bia Sài Gòn-Ninh Thuận; Khu liên hiệp chế biến muối cao cấp quy mô 200 nghìn tấn/năm (giai đoạn I), chế biến muối tinh; các dự án chế biến đá granite; Khu du lịch Nam Núi Chúa; các dự án sản xuất giống thủy sản... Hoàn thành đầu tư tuyến đường ven biển dài 116km với số vốn đầu tư trên 4.200 tỷ đồng, góp phần khai thác các tiềm năng và thế mạnh của vùng ven biển của tỉnh.

Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội: Giáo dục-đào tạo có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, hệ thống y tế cơ sở được đầu tư nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh 100% xã, phường có trạm y tế; 70,8% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2005 đạt 12,9%); 60% trạm y tế xã, phường có bác sỹ, tăng 24,6% so năm 2010, góp phần nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho Nhân dân. Kinh tế-xã hội miền núi có chuyển biến trên nhiều mặt, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất, theo đó đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi từng bước được cải thiện.

Bước sang giai đoạn mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước giai đoạn 2011-2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh 5 năm 2016-2020, nhất là trong năm 2016-năm đầu đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII vào cuộc sống; đứng trước những thời cơ và thách thức mới, phát huy thành tựu 24 năm tái lập tỉnh và bài học kinh nghiệm đã được đúc kết sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh vững tin trên con đường phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, xây dựng quê hương Ninh Thuận theo hướng “xanh-sạch-đẹp”; tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lấy phát triển kinh tế biển là động lực; sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập trung bình so với các tỉnh trong khu vực và cả nước làm mục tiêu; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

 
Du khách mua sắm các mặt hàng gốm tại làng nghề Bàu Trúc. Ảnh: Văn Miên

Đến năm 2020 phấn đấu đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội như sau:

1. Về kinh tế: Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) đạt 10-11%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 58-60 triệu đồng/người. Giá trị gia tăng các ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5-6%/năm; công nghiệp-xây dựng tăng 14-15%/năm; dịch vụ tăng 11-12%/năm; cơ cấu kinh tế: Nông, lâm, thủy sản chiếm 28-29%; công nghiệp-xây dựng chiếm 30-31%; dịch vụ chiếm 39-40%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2020 đạt 2.800-3.000 tỷ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu 150 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2016-2020 đạt 51-55 nghìn tỷ đồng.

2. Về xã hội: Tạo việc làm mới cho 15,5 nghìn lao động/năm. Lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 60%, trong đó đào tạo nghề đạt 45%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5-2%/năm (theo chuẩn mới); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 còn 1,12%, quy mô dân số trung bình đến năm 2020 đạt 640 nghìn người. Trong lĩnh vực y tế, có 10 bác sỹ/1 vạn dân và 70% trạm y tế xã, phường có bác sỹ; 90% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 13% vào năm 2020. Về giáo dục, có 50% số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 80% số học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; 20% số trường mầm non đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

3. Về môi trường: Tỷ lệ rừng che phủ đạt 50%; dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; số hộ nông thôn có nhà vệ sinh đạt 85%.

Để đạt được các mục tiêu cụ thể nêu trên, trong giai đoạn tới, tỉnh đã và đang tập trung triển khai các giải pháp như sau:

- Một là, nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch, kế hoạch, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, địa phương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo định hướng tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, phù hợp tình hình và phát huy lợi thế của địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp giữa các loại quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm chủ yếu với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.

- Hai là, huy động đa dạng các loại nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược; từng bước hình thành các doanh nghiệp đầu đàn để tạo động lực thúc đẩy, lôi kéo các doanh nghiệp cùng phát triển. Tiếp tục đổi mới phương thức huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư các ngành, lĩnh vực có lợi thế và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực của tỉnh với nhiều hình thức linh hoạt; đồng thời, liên kết với các trường đại học, các trung tâm đào tạo có uy tín, có thương hiệu thành lập các cơ sở đào tạo tại tỉnh, nhằm sớm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian tới.

- Bốn là, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng và cả nước, xây dựng thương hiệu Ninh Thuận, cập nhật thông tin kịp thời về diễn biến tình hình thế giới và trong nước để nâng cao chất lượng dự báo, phân tích, tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ quản lý làm công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và quản lý doanh nghiệp.

- Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực còn nhiều yếu kém như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản. Rà soát, bổ sung và cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, nhất là nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.

Trước mắt trong năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong bối cảnh hạn hán gay gắt và diễn ra trên diện rộng, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Tập trung sức chống hạn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần “Không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng”; tập trung công tác chuẩn bị Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

- Thúc đẩy sản xuất phát triển, ưu tiên tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát huy các tiềm năng, lợi thế, gắn chuỗi giá trị với kết nối thị trường; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu theo hướng ứng dụng công nghệ tiết kiệm nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế.

- Về xã hội, tập trung triển khai có hiệu quả các kế hoạch hành động có tính đột phá, cụ thể: (1) Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, tạo sự đột phá về phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; (2) đổi mới phong cách, thái độ phục vụ cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; (3) “Năm môi trường du lịch sạch” tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; (4) “Đổi mới nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020”; (5) phát triển cây xanh đô thị bằng hình thức xã hội hóa tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; (6) đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020; (7) nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Ninh Thuận từ nay đến 2020.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và triển khai sâu rộng các cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội, tạo động lực tinh thần góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra.

Với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; với những tiềm năng và nhân tố mới đã được nhận diện; cùng với quyết tâm cao trong việc vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương…, Ninh Thuận tự tin sẽ vững bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã xác định.