Ký ức những ngày tháng Tư lịch sử

(NTO) 41 năm đi qua, chiến tranh đã lùi xa, đất nước hòa bình, thống nhất, song ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người lính từng sống, chiến đấu trong những thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy.

Chúng tôi đến thăm ông Hồ Mai, nguyên Chính trị viên Tỉnh đội Ninh Thuận để nghe ông kể về những ngày tháng Tư lịch sử 41 năm về trước. Năm nay đã 85 tuổi, sức khỏe cũng giảm sút nhưng khi nhắc lại những ký ức một thời ấy, ông như hoạt bát hơn. Ông kể, khi ấy Ninh Thuận là chiến trường rất ác liệt, tại đây địch đã lập ra tuyến phòng thủ từ xa rất kiên cố, được gọi là “Lá chắn thép Phan Rang”. Bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương đã chiến đấu anh dũng, kiên cường để chọc thủng và đập tan mọi sự kháng cự của quân địch. Đúng 7 giờ sáng, ngày 16-4-1975, thị xã Phan Rang đã hoàn toàn giải phóng. Tiếp đó, quân giải phóng đã nhanh chóng tiến công địch ở sân bay Thành Sơn, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân địch ở đây. Đến 9 giờ 30 phút, ngày 16-4-1975, quân giải phóng đã làm chủ sân bay Thành Sơn. Toàn bộ tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng. “Khi đó quân và dân đều hòa chung niềm vui, hạnh phúc, mọi người cùng đổ ra đường reo hò để ăn mừng chiến thắng. Từ thị xã đến vùng nông thôn, đâu đâu cũng cờ hoa rực rỡ trong không khí tưng bừng, phấn khởi”- ông Hồ Mai nhớ lại.

Cựu chiến sĩ Đoàn H.50 Anh hùng bên phù điêu tái hiện hoạt động của đơn vị. Ảnh: Sơn Ngọc

Với việc đập tan “Lá chắn thép Phan Rang”, giải phóng Ninh Thuận đã tạo khí thế và đà tiến công cho quân và dân ta tiếp tục tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi có dịp gặp lại ông Văn Công An, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-trực Đảng vào những ngày tháng Tư lịch sử này. Nhớ lại những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đôi mắt của ông đỏ hoe, đầy xúc động. Khi đó trong không khí tấn công dồn dập của bộ đội ta trên khắp các chiến trường, Đoàn H50-đơn vị ông ở tuyến sau, có nhiệm vụ chi viện vũ khí, đạn dược và hàng hóa của Trung ương từ miền Bắc vào và Trung ương Cục miền Nam cho các chiến trường cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên gồm các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức. “Khi nghe tin quân đội ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, mặc dù không được trực tiếp chứng kiến vì khi đó đơn vị vẫn phải làm nhiệm vụ ở tuyến sau, chi viện và thu dọn chiến trường, nhưng tất cả mọi người trong đơn vị đều vỡ òa lên vì sung sướng. Ai nấy cũng đều ôm nhau rơm rớm nước mắt, từ đây đất nước đã được thống nhất, quê hương được giải phóng, không còn chiến tranh, đổ máu nữa, mọi người sẽ được về nhà cùng nhau đoàn tụ bên gia đình và xây dựng quê hương, đất nước”-ông Văn Công An bồi hồi nhớ lại.

Cũng trong Đoàn H50 anh hùng ngày ấy là vợ chồng ông Nguyễn Thành Nhiên và bà Võ Thị Minh Túc. Nhớ về những ngày tháng khi ấy, vợ chồng ông không giấu nổi niềm xúc động, tất cả như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của đôi vợ chồng này. “Khi nghe tin quân đội ta đã làm chủ Sài Gòn, đất nước được thống nhất, cũng giống như anh chị em ở đơn vị, tôi vô cùng sung sướng, xúc động. Trong giờ phút đó, mình cảm thấy rất thương nhớ các đồng đội đã ngã xuống, hy sinh vì quê hương, đất nước, họ đã không thể chứng kiến và tận hưởng giây phút lịch sử của ngày thống nhất đất nước”-bà Túc xúc động.

Còn đối với ông Nguyễn Thành Nhiên, nguyên là Chính trị viên Đoàn H50, khi đó ông luôn mang bên mình chiếc đài ra-đi-ô để nghe tin tức về bước tiến của quân đội ta. Ông kể: Khi nghe tin tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng, tất cả anh chị em ở đơn vị đều reo hò, nhảy múa, hát ca. Chưa bao giờ niềm xúc động lại dâng trào như thế. Đấy là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời tôi. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh hai miền đất nước chia cắt mới thấy ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng 30-4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hòa bình, thống nhất, toàn vẹn đất nước.

Giờ đây, khi trở về với cuộc sống đời thường, những ký ức của 41 năm về trước luôn được nhắc lại trong niềm tự hào của những người lính năm xưa. Họ đã có những năm tháng cống hiến, hy sinh để đất nước được thống nhất, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, tự do; tiếp nối truyền thống cha anh chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại.