Người về nhớ rừng ở lại

(T.H 50 theo dòng trường ca)

Rừng cực Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên là không gian gắn liền với những năm tháng sống, chiến đấu, công tác của những người vận tải H.50. Vì nhiệm vụ đặc biệt nên chỉ có rừng là người bạn thân thiết. Những bàn chân chảy máu đến hồi chai cứng, in dấu trên những cánh rừng từ biên giới, đường Trường Sơn đến các chiến trường Khu 6. Rừng bằng ở biên giới. Rừng già ở Bình Long, Phước Long, Lâm Đồng. Rừng khộp vùng nhiệt đới Bình Thuận, Ninh Thuận. Ở đó để lại trong lòng người lính vận tải những buồn, vui, gian khổ, mất mát, hy sinh, không ít đồng đội của họ vĩnh viễn nằm lại với rừng. Rừng trở thành ký ức của một thời đánh Mỹ:

Ôi lạ quá, ngày vui sao em khóc

Mai theo các anh về giải phóng quê mình

sợ nước mắt buổi đoàn viên

rồi sẽ khiến rừng cô độc

sẽ thiêng liêng muôn đời nơi đồng đội hy sinh

(Đỗ Quang Vinh)

Rừng không chỉ “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Rừng cho người vận tải nguồn bổ sung lương thực: Củ nần, lá bép thay cơm, những nồi canh măng, tàu bay… trong những ngày lánh giặc. Trên những cánh rừng cưu mang mạn đường vận tải, ngày đêm kẻ thù dội xuống hàng ngàn, hàng vạn tấn bom, rừng đã bao lần chảy máu:

Xé lòng ta bao cánh rừng chảy máu

Những cánh rừng rùng rùng căm giận

những cánh rừng chảy máu

dưới trời xanh.

(Đỗ Quang Vinh)

Rừng là ngôi nhà, sự sống của muôn loài, hòa quyện cùng đất trời. Sức mạnh của kẻ thù không diệt được màu xanh của rừng. Và rừng xanh hơn nhờ những mái tóc dài:

Khi giã từ ruộng rẫy, vườn quê

hành trang chỉ có tấm lòng yêu nước

trong đoàn quân tiến nhanh về phía trước

rừng xanh hơn nhờ những mái tóc dài.

(Đỗ Quang Vinh)

Người vận tải H.50 coi rừng là nhà. Rừng che chở họ vào những năm tháng xa quê đi đánh giặc. Rừng là bầu bạn, cùng đau với nỗi đau của Tổ quốc. Chia sẻ nỗi đau thương mất mát người ra trận:

Đặt em nằm trên mảnh đất Đồng Nai

Đầu gối lên vệ cỏ

Nhớ thương em cánh rừng không ngủ

Suốt đêm dài cây lá hát ru em.

(Anh Ngọc)

Ai đã đến với rừng trong những ngày kháng chiến sẽ cảm nhận sự sống bất tận của tạo hóa. Người lính H.50 sống dưới cánh rừng Tổ quốc có biết bao kỷ niệm. Mùa đông, rừng lạnh thấu xương. Thu tàn, cây trút lá. Nắng nỏ, khô hanh mùa hạ. Mai nhú lưng đồi báo hiệu thêm một tuổi đời, thêm một tuổi quân. Cùng với rừng trong những ngày gian khổ chiến tranh, rừng chảy máu, người cũng hy sinh. Người nằm lại, được rừng đùm bọc. Những phút giây bình yên dừng chân, gió rừng già man mát. Trưa hè nhớ bóng khế, bóng me. Mùa khô đi dưới sao trời rừng khộp. Những hạt mưa rừng rơi trên lều võng như tiếng mẹ ru con vào giấc ngủ. Những đêm vượt đường rừng cùng người thức đủ năm canh. Tiếng thác đổ, tiếng gió dội vào vách đá, tiếng xào xạc của ngàn cây trào dâng hồn thiêng sông núi. Tiếng vượn kêu ban mai nơi đầu non, những cánh chim lang thang trong chiều tìm bạn… Nhớ quê, nhớ nhà, nhớ người thân đến thắt lòng. Tất cả để rồi “Ta về nhớ lúc ta đi”. Người đi thương nhớ rừng ở lại:

Mai xa rừng mình về Phan Thiết

Tạm biệt hay là từ biệt rừng ơi?

Nhưng rừng chỉ nhiều lá nhiều cây

Chứ rừng đâu có nhiều lời

Cảm ơn rừng đã cho ta

một quãng đời đáng sống.

(Đỗ Quang Vinh)

Đến ngày chiến thắng, chia tay với rừng và không biết bao giờ trở lại. “Đi giữa phố đông vui làm sao nhớ cánh cò cánh quạt”, gởi lại cho rừng những dấu chân quen:

Mai sau chắc gì có dịp về bưng

binh trạm cũ ủ mấy từng mưa nắng

những con suối có tên, không tên lẽ nào im vắng

những con đường trườn ngang dọc còn chăng

mai sau nhớ về những năm tháng chiến tranh

rừng ở mãi trong ta thành ký ức

dòng tên H.50 thắp giữ lòng chói rực

soi rõ những bàn chân lội suối trèo đèo.

(Đỗ Quang Vinh)