Lật lại ký ức, làm sao quên được những phụ nữ yêu nước như Trần Thị Có, Hồng Việt… (thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, Ninh Phước) chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai để tiếp tế nuôi quân hay những nữ đồng chí Nguyễn Thị Hiệp, Hồ Thị Tiếu Nga… bị tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung theo Đảng. Dù phải chịu đựng muôn vàn gian khổ, hy sinh, phụ nữ vẫn luôn dũng cảm, đảm đang, âm thầm góp công, góp sức vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Một buổi sinh hoạt của hội viên nòng cốt Chi hội Phụ nữ thôn Vụ Bổn,
xã Phước Nam (Thuận Nam) sinh hoạt nâng cao nghiệp vụ. Ảnh: Phạm Lâm
Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Ninh Thuận bằng ý chí, quyết tâm và những hành động thiết thực, luôn nỗ lực cống hiến trên tất cả các lĩnh vực đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin-tự trọng-trung hậu-đảm đang”… được triển khai sâu rộng với các nội dung, hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo chị em tham gia. Công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức, truyền thống, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ luôn được chú trọng...
Với phương châm “hướng về cơ sở”, các cấp Hội đã tập trung phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, thiết thực, điển hình là phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hội chủ động duy trì, đẩy mạnh các mô hình hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, trọng tâm là khai thác các nguồn vốn vay, giúp phụ nữ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tính đến nay, toàn Hội đã tín chấp cho 42.927 phụ nữ, hội viên vay vốn, với tổng dư nợ trên 689 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả vốn đạt 99%. Hoạt động vận động, quản lý nguồn tiết kiệm được triển khai sâu rộng tới 412 chi hội, với số tiền tiết kiệm 21 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo giải ngân trên 9,7 tỷ đồng, giúp 2.106 hộ vay… Không chỉ giúp vốn, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tham quan mô hình, chuyển giao kỹ thuật… giúp chị em nâng cao kiến thức, đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả nguồn vốn. Giới thiệu việc làm cho 2.950 chị, tư vấn nghề nghiệp cho 2.812 chị… Nhờ vậy phụ nữ, hội viên trong tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Phụ nữ xã An Hải (Ninh Phước) đầu tư trồng táo nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ.
Ảnh: Bạch Thương
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, thời gian qua, Hội chủ động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, doanh nghiệp, nhà hảo tâm duy trì, triển khai đồng bộ các mô hình nhân đạo từ thiện, giúp phụ nữ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Hội đã thẩm định, xây dựng 12 “Mái ấm tình thương”, trị giá 410 triệu đồng cho phụ nữ, hội viên nghèo khó khăn về nhà ở; vận động, trao tặng 35 suất học bổng Nguyễn Thị Định trị giá 33,6 triệu đồng cho 35 học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi hội viên ốm đau, người già neo đơn, phụ nữ nghèo, tàn tật, đơn thân với số tiền trên 557 triệu đồng. Mô hình “Hũ gạo tình thương” quyên góp trên 23.399kg gạo, giúp 3.328 lượt hội viên, phụ nữ nghèo. Các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, nhận đỡ đầu Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, tân binh trước lúc lên đường nhập ngũ với số tiền 194 triệu đồng…
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Nhằm xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, Hội tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Tập trung chỉ đạo tốt việc chuẩn bị nội dung, nhân sự, các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức thành công Đại hội Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phát triển kinh tế gia đình bền vững đến cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, duy trì, phát triển, nâng chất lượng hoạt động các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm tại cộng đồng…, nhằm phát huy nội lực, tinh thần tương thân, tương ái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện để chị em có cuộc sống ổn định. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, phụ nữ, hội viên về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các cấp Hội bám sát cơ sở để hiểu rõ nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, hội viên.
Phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Ninh Thuận nói riêng tuy còn nhiều mối lo toan trong cuộc sống, trách nhiệm với gia đình, nhưng vẫn luôn là lực lượng sáng tạo, cần cù, chịu thương, chịu khó để luôn vượt qua những khó khăn, thử thách, hăng hái lao động, sản xuất, nuôi dạy con cái, chăm lo gia đình, xây dựng quê hương, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
Mỹ Dung