Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thảo luận tại Tổ về Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (2015)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Phát biểu thảo luận tại Tổ 4, gồm các Đoàn ĐBQH: TP Hải Phòng, tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu và Tuyên Quang, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các Luật, Nghị quyết có liên quan.

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, qua nghiên cứu Dự thảo luật, vẫn còn một số vấn đề cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi đảm bảo quy định pháp luật để thực hiện. Cụ thể một số nội dung như: Cần nghiên cứu quy định về hoạt động giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Thường trực HĐND về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND, các Ban HĐND để làm rõ bất cập, vướng mắc thống nhất giải pháp khắc phục..; Quy định về việc Quốc hội ban hành nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực HĐND trong trường hợp cần thiết; Quy định về ban hành kết luận giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Ban HĐND; Nghiên cứu bổ sung quy định nhằm khắc phục một số bất cập trong hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, các Ban HĐND tỉnh; Nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát. Nhất là việc bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị qua giám sát.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại tổ.

Góp ý vào các điều, khoản của Dự án luật, đối với các khoản Dự án luật đưa ra các phương án lựa chọn, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương lựa chọn các phương án như sau:

Về bổ sung nguyên tắc của hoạt động giám sát (khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân), chọn Phương án 2 của dự thảo Luật, vì nội dung quy định tại Phương án 2 quy định gọn, phù hợp hơn phương án 1.

Về thời điểm xem xét báo cáo (khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân), chọn Phương án 1 của dự thảo Luật, theo hướng quy định thời điểm xem xét một số báo cáo đã được quy định tại Luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của Luật đó để tránh phải quy định lặp lại.

Về thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát (khoản 14 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 21 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) chọn Phương án 1 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, tại khoản 1 dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc "yêu cầu Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, Luật, pháp lệnh", đại biểu Hương đề nghị, cần phải được cân nhắc, rà soát thêm để đảm bảo tính thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cụ thể về các trường hợp, thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, Luật, pháp lệnh (quy định tại Chương XIV của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (khoản 20 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 30 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) chọn Phương án 1 của dự thảo Luật vì nội dung quy định tại Phương án 1 phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri (khoản 21 Điều 1 dự thảo Luật, bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 31 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) chọn Phương án 1 của dự thảo Luật, quy định này phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bộ máy tổ chức hoạt động của các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về xem xét báo cáo của Đoàn giám sát (khoản 47 Điều 1 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 81 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân), tán thành với nội dung quy định tại dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định: "Báo cáo, kết luận giám sát của Ban Hội đồng nhân dân cần được báo cáo đến Thường trực Hội đồng nhân dân cho ý kiến tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân" tại Khoản 3 dự thảo Luật Để phát huy vai trò chỉ đạo, điều hòa hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân đối với các Ban của Hội đồng nhân dân; qua đó Thường trực HĐND xem xét các hạn chế, tồn tại của vấn đề giám sát, đề xuất, quyết định các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại qua giám sát đã chỉ ra.

Ngoài ra, đại biểu Hương đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể trong dự thảo Luật các điều kiện về bảo đảm, phục vụ hoạt động giám sát, nhất là chế độ chính sách đối với thành viên Đoàn giám sát đảm bảo phù hợp với thực tế, nâng cao chất lượng tham gia của thành viên Đoàn giám sát.