Ninh Hải hôm nay

(NTO) Trở lại huyện Ninh Hải vào những ngày đầu tháng Tư, đi từ thị trấn Khánh Hải qua Tri Hải, xuống Thanh Hải, Vĩnh Hải, rồi ngược về Xuân Hải, Hộ Hải, chúng tôi cảm nhận những tên xóm, tên làng gắn liền với lịch sử năm xưa, nay đang khoác lên mình một diện mạo mới.

Kinh tế biển- khâu đột phá

Trong hành lang tuyến biển của tỉnh ta, Ninh Hải là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về địa lý. Ngoài có bờ biển dài trên 50km, có Vườn Quốc gia Núi Chúa, bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử, vịnh Vĩnh Hy, đường ven biển đi qua, Ninh Hải còn là nơi được chọn để xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân số 2 của cả nước, tạo cho địa phương một vị thế mới trong phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương và tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, những năm qua, ngoài việc xây dựng lại quy hoạch, huyện còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nông dân cả vốn vay và kỹ thuật để phát triển, nhất là trong khai thác phát triển tiềm năng kinh tế biển.

 
Bến cá Ninh Chử. Ảnh: MD

Đồng chí Nguyễn Thị Diệu Tuyết, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Trong chiến tranh, nhân dân Ninh Hải một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Đất nước thống nhất, địa phương nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại quê hương, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là đã đầu tư nhiều dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng cảng cá, bến cá để phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản theo hướng đầu tư tàu thuyền có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, nhờ đó đến nay đời sống của người dân đang ngày dần ổn định và phát triển.

Nhìn lại chặng đường 24 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, nhất là sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, bộ mặt của quê hương Ninh Hải đã có nhiều khởi sắc. Nét nổi bật trong phát triển kinh tế của huyện Ninh Hải hôm nay, đó là địa phương đã phát huy có hiệu quả lợi thế từ biển. Đến nay, toàn huyện có gần 1.024 chiếc tàu thuyền các loại, với tổng công suất 62.963CV. So với ngày mới tái lập tỉnh, số lượng tàu thuyền của địa phương tăng gấp nhiều lần. Chỉ tính riêng trong quý I năm nay, ngư dân trong huyện đã khai thác được 1.450 tấn hải sản các loại. Không những vậy, địa phương còn đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường, vận động Nhân dân khai thác vùng ven Đầm Nại để phát triển nuôi trồng các loại thủy sản, như: Ốc hương, cua, ghẹ, hàu..., với diện tích cả trăm ha.

Ninh Hải còn phát triển ổn định đồng muối với diện tích trên 540ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Đầm Vua, Khánh Hải, Tri Hải và 135 công ty, cơ sở sản xuất tôm giống, với sản lượng khai thác trong 3 tháng đầu năm đạt 78.680 tấn muối và 936 triệu tôm post. Đặc biệt, phát huy lợi thế biển, Ninh Hải còn quy hoạch phát triển du lịch bằng việc xây dựng vịnh Vĩnh Hy thành điểm đón tiếp, trung chuyển khách đi tham quan san hô, câu cá bằng tàu đáy kính; cùng với tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư, khai thác tốt các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn dọc bãi biển Bình Sơn-Ninh Chử, Núi Chúa... Riêng trong quý I năm nay, Ninh Hải đón 173.800 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, doanh thu từ dịch vụ này đạt 40,3 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với cùng kỳ.

 
Điểm du lịch Bãi Kinh (Vĩnh Hải, Ninh Hải) thu hút nhiều du khách đến tham quan.  Ảnh: Hoàng Trung

Hướng mở tương lai

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Diệu Tuyết cho biết: Mục tiêu của huyện trong 5 năm tới, đó là: Tập trung phát triển tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, trọng tâm là kinh tế du lịch, công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI vào cuộc sống, trước mắt, trong năm 2016, huyện xác định có 6 nhóm giải pháp chính cần tập trung thực hiện. Trong đó, về nông nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, như: hành, tỏi, nho, táo..., theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Đối với lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền. Tiếp tục duy trì các cơ sở sản xuất tôm giống hiện có, nhân rộng mô hình nuôi ốc hương, tôm thương phẩm, trồng rong sụn, phát triển đồng muối... Đặc biệt, với lợi thế có đường ven biển đi qua, ngoài việc tận dụng các bến cá Mỹ Tân, Khánh Hội để phát triển và mở rộng các ngành nghề dịch vụ hậu cần, phục vụ cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, huyện sẽ phối hợp các trung tâm du lịch lớn của Nha Trang, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh để hình thành và khai thác hiệu quả các tour du lịch biển tại vịnh Vĩnh Hy, bãi biển Ninh Chử; kêu gọi đầu tư phát triển các điểm vui chơi, giải trí tại Bãi Thùng, Hòn Đỏ...

 
Thu hoạch muối của Xí nghiệp Muối Đầm Vua. Ảnh: VM

Ngoài các giải pháp nêu trên, hiện tại, huyện Ninh Hải đã thực hiện xong việc Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Đây là quy hoạch được đặt trong tổng thể phát triển chung của tỉnh, kết nối với Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa, hướng đến xây dựng Ninh Hải trở thành vùng trọng điểm du lịch phía Đông Bắc của tỉnh. Dựa trên quan điểm phát triển này, huyện Ninh Hải đã xác định ra 3 tiểu vùng kinh tế để cụ thể hóa quy hoạch. Theo đó, các xã Tri Hải, Phương Hải và thị trấn Khánh Hải được xác định là vùng kinh tế trung tâm; 3 xã Tân Hải, Xuân Hải và Hộ Hải được xác định là tiểu vùng kinh tế nông nghiệp và các xã Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải được xác định là tiểu vùng kinh tế ven biển để đầu tư phát triển. Phấn đấu đến cuối năm 2016, đưa tốc độ tăng trưởng của huyện đạt từ 11-12%; sản lượng lương thực đạt 35.300 tấn; sản lượng tôm thịt đạt 2.100 tấn; sản lượng tôm giống đạt 4.400 triệu con; khai thác hải sản 12.100 tấn; sản lượng muối đạt 248.000 tấn; tổng thu ngân sách đạt 36,5 tỷ đồng.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cộng với những giải pháp cụ thể đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, sẽ là cơ sở để huyện Ninh Hải sớm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch, đưa kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển bền vững.