Từ ngày các nhà kỹ trị đất nước quan tâm đến kinh tế biển, đặc biệt chú tâm đến ngành dịch vụ “không khói”, mà qua đó, các chuyên gia đề cao du lịch 4S (sun, sea, sand, safe) là: nắng, biển, cát và sự an toàn. Thế nhưng nói gì thì nói, từ rất lâu rồi, con người đã “lấy” của biển nhiều thứ quá, mà ít “bù lỗ” hay bồi dưỡng gì lại cho biển, cứ suy nghĩ kiểu “rừng vàng, biển bạc” mà tha hồ khai thác vô tội vạ thì có mà chết như chơi!
Một nhạc sĩ nào đó đã từng hùng hồn tuyên bố: “…biển mênh mông dường nào…”. Quá đúng luôn, ông này tán hay quá, đúng là đại dương mênh mông thật. Nhưng vì quá mông mênh nên biển vẫn thích “các bác” cứ sắm tàu công suất lớn mà đánh bắt… xa bờ cho nó phong phú và hoành tráng; chứ “các bác” cứ đánh bắt… gần bờ mãi thì chán ghê gớm lắm, chả được… “cơm cháo” gì, mà còn mang tiếng hại biển nữa, phải không nào? Còn nữa, các bác dùng đủ các loại lưới “thượng vàng hạ cám” mà nghe nói đến tên, biển đã thất kinh hồn vía như: rùng, ba màn, vây rút chì, giả cào, khung, vó cất, chụp, rê, câu giàn…, đó là chưa kể dùng đến xung điện hay thuốc nổ… Thế thì “các bác” thử xem trong vùng lãnh hải trên 18.000km2 của tỉnh ta, trên 500 loài thủy hải sản từ con to đùng như cá ngừ đại dương đến con tép chút xíu, thì dù “em nó” có “3 đầu, 6 tay” cũng hết đường thoát. Khai thác cạn kiệt thế mà không thèm tái tạo, thì thử hỏi nguồn lợi thủy sản nào còn nhỉ (!?). Đồng ý là ngày 1-4 hàng năm, Ngày truyền thống Nghề cá Việt Nam, ngành Thủy sản nước nhà có thả cả ngàn ngàn, tỉ tỉ con post các loại xuống đại dương mênh mông thì chẳng khác gì muối… bỏ biển đâu, mà phải bằng các động thái tích cực và mang đầy ý nghĩa nhân văn hơn nhé!
Biển cũng rất là buồn vì hiện nay, các nhà máy chế biến thực phẩm đổ nước thải chưa qua xử lý, hết sức coi thường pháp luật! Bởi vì họ có đổ ra mương, ra sông thì biển cũng... lãnh đủ mà thôi, không có gì mà bàn cãi! Thêm nữa, theo tài liệu… nghiên cứu được thì tỉnh ta có 3 cửa biển quan trọng là Khánh Hải, Đông Hải và Cà Ná, chưa kể một số cảng cá khác như Ninh Chử, Khánh Hội, Mỹ Tân… vô cùng nhộn nhịp, năng động. Dù cho dịch vụ hậu cần của ngành Thủy sản có phát triển đến mấy đi nữa, nếu chỉ biết khai thác, tận thu vô tội vạ… mà không cần chú ý đến khâu vệ sinh môi trường thì cũng “thôi rồi biển ơi” vậy. Chớ có than van chi mà “hao hơi tổn sức” nhỉ!
Còn nữa, các khu dân cư ven biển như Vĩnh Hải, Nhơn Hải, Thanh Hải, Phương Hải, Tri Hải, Khánh Hải (Ninh Hải); Mỹ Hải, Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm); Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam) thì dân cư đổ rác thải ra biển, mùa nấc, nồm nam… rác cứ lang thang trôi dạt từ đầu tỉnh (Cà Ná) đến cuối tỉnh (Bình Tiên) mà thôi. Đáng trách hơn, thói quen “giải quyết nỗi buồn” tại bờ bãi, kè chắn sóng, mặc dù một số khu vực dân cư đã được Nhà nước hỗ trợ cho đến 100% chi phí để xây nhà vệ sinh, nhưng rồi dân mình với thói quen ngàn đời, vẫn cứ thích “biển thông, sông thoáng, đồng hoang”, nên dù đã vận động, nhưng vẫn khắc khoải: “Về sau và nhiều năm sau nữa.
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay”… thế mới chết chứ!
Ông bà mình ngày xưa thường hay ví von: “Dù cho sông cạn, đá mòn/Một trăm năm nữa vẫn còn thương nhau”, ý nói là sông sẽ không bao giờ cạn được. Còn bây giờ thì do tình hình “biến đổi khí hậu” khốc liệt trên Trái đất, có rất nhiều dòng sông đã cạn khô. Rồi sẽ coi chừng, tới ngày nào đó, biển sẽ cạn queo, cuộc sống con người có mà “trớt quớt”!
Minh Sĩ