Vấn đề hôm nay:

Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn!

(NTO) Hơn một tháng qua, khu phố tôi đã trở nên “bình yên” hơn so với trước. Tình trạng mất trộm, thanh thiếu niên tụ năm, tụ ba để “bày chuyện” trộm cắp, đánh lộn, hò hét, chạy xe nẹt bô inh ỏi phá vỡ cả không khí yên tĩnh của đêm khuya- lúc nhiều người dân cần nghỉ ngơi để “phục hồi năng lượng” cho ngày làm việc mới…đã giảm đáng kể. Tất cả là nhờ những bóng đèn thắp sáng ở các con hẽm trong khu phố.

Có nhiều tên gọi khác nhau: nơi thì gọi là “thắp sáng đường quê”, nơi thì đặt tên “ánh sáng an ninh”…nhưng mục đích giống nhau, đó là tạo ánh sáng để người dân đi lại thuận tiện, không phải nơm nớp lo âu khi phải đi trên những con hẽm tối om, ánh sáng đèn còn làm nơi để trẻ em vui đùa mỗi tối ở những khoảng sân công cộng và trên hết vẫn là hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự trong thôn, khu phố. Điều đáng nói là việc lắp đặt các bóng đèn chiếu sáng công cộng hoàn toàn “xã hội hóa” từ đóng góp của người dân tại địa phương. Nhiều nơi đã có cách làm hay, đó là sau khi tính toán chi phí, công khai để người dân biết, tham gia.

ĐV-TN huyện Ninh Phước thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”. Ảnh: Phạm Lâm

Có nơi, qua vận động thấu suốt những gia đình có điều kiện đã “bao” luôn cho những hộ nghèo không có điều kiện đóng góp, kể cả “bao”công lắp đặt. Tiền điện hàng tháng cũng vậy, mỗi hộ chỉ đóng trên dưới 10.000 đồng. Một số người dân ở nhiều địa phương chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng cách làm này không những tạo thêm mối đoàn kết trong thôn xóm, sự đồng thuận giữa người dân với chính quyền… mà còn như một luồng gió mới làm thay đổi cuộc sống của những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Rõ ràng ánh sáng sẽ xua đi bóng tối, xua đi tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ rình rập, đe dọa ở mỗi vùng quê và cả đô thị. Cái câu “góp gió thành bão” như dân gian thường nói đã được vận dụng và phát huy hiệu quả cao như đã nêu trên.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện vẫn còn không ít địa phương chưa “hưởng ứng” việc lắp đặt ánh sáng tại các đường nội thôn, nội phường… mặc dù phần lớn các con đường đều đã được “cứng hóa”, trong số này có những địa phương đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới hay đã “gắn bản” khu phố văn hóa!. Có nhiều nguyên do nhưng tựu trung lại là sự thiếu nhiệt tình của người đứng đầu địa phương trong việc vận động, thuyết phục về lợi ích của việc đóng góp thắp sáng đèn đường để người dân tham gia. Có nơi lại có cách làm “khô cứng” như tất cả đều quy ra tiền để người dân đóng góp trong khi tùy từng “gia cảnh” có những đóng góp bằng vật chất khác… dẫn đến tình trạng người dân chưa “mặn mà” dù rằng hầu như ai cũng rõ cái lợi của việc làm hữu ích này.

Từ việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn như đã nêu, tuy nhiên suy cho cùng làm tốt hay không mọi chuyện đều xuất phát từ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Nếu làm tốt “dân vận khéo” như Bác Hồ đã dạy thì việc gì cũng thông và huy động được nguồn lực lớn trong dân. Bằng không thì ngược lại.