Tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika và sốt xuất huyết

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của vi-rút Zika và dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng về công tác phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng

Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của vi-rút Zika và dịch bệnh SXH, đặc biệt có thông tin một công dân Úc vừa được xác nhận bị nhiễm vi-rút Zika sau 10 ngày lưu trú tại Việt Nam và đã đi đến các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận và TP. Hồ Chí Minh, tỉnh ta có giải pháp gì để phòng chống và xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Để làm tốt công tác này, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch, phát động chiến dịch, chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đưa ra 3 tình huống và các giải pháp xử lý. Cụ thể, tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh Ninh Thuận; tình huống 2: Xuất hiện ca bệnh rải rác tại Ninh Thuận và tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng. Hiện tỉnh ta đang ở tình huống thứ nhất. Tuy nhiên, với dấu hiệu bệnh xâm nhập vào nước ta, muỗi Aedes truyền bệnh SXH đang lưu hành trong cả nước, đây cũng là loại muỗi truyền vi-rút Zika nên không loại trừ nguy cơ Zika xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh. Hiện tình hình dịch bệnh SXH cũng hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận khoảng 300 ca SXH; bệnh lưu hành trên 44 xã, phường, với 21 ổ dịch nhỏ. Trong đó, địa phương có số ca mắc nhiều nhất là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm khoảng 100 ca; Ninh Phước trên 90 ca. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế chỉ đạo ngành Y tế các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, vận động người dân vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; đậy kín hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh như chai lọ, mảnh chai… để diệt lăng quăng, hạn chế muỗi Aedes phát triển, ngăn ngừa truyền vi-rút Zika và bệnh SXH. Ngoài ra, ngành Y tế các địa phương tiến hành đánh giá tình hình tác nhân gây bệnh như: mật độ muỗi, lăng quăng…, để chủ động phun hóa chất diệt muỗi những khu vực có mật độ cao.

Để phòng ngừa vi-rút Zika xâm nhập và lây lan, Sở Y tế tích cực phối hợp với các ngành liên quan giám sát chặt chẽ du khách nhập cảnh thời gian gần đây đã từng đến những vùng có dịch, người dân trở về từ vùng dịch. Tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, tổ chức lấy mẩu xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm ngay từ những trường hợp mắc bệnh đầu tiên nhằm xử lý và khống chế kịp thời; sẵn sàng thu dung, điều trị khi có dịch xâm nhập.

Phóng viên: Như vậy, ngành Y tế có khuyến cáo gì giúp cho người dân chủ động phòng ngừa tốt 2 dịch bệnh này?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Ngoài làm tốt vệ sinh môi trường, các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, hạn chế muỗi phát triển, tránh muỗi đốt, ngành Y tế khuyến cáo thời điểm này, người dân nên hạn chế đi tới các vùng đang có dịch, nhất là phụ nữ đang mang thai. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân. Đối với người đi về từ vùng dịch, phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt, phát ban, kèm theo viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ, đau đầu, phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời, tránh lây lan vi-rút Zika ra cộng đồng.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!