Dạy con biết cách đối diện với thất bại

(NTO) Trẻ con vốn hiếu thắng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí một vài chiến thắng đầu đời có khi đem lại nhiều hệ lụy sau này. Thật ra, có không ít người tỏ ra mình thông thái và thích dạy bảo kẻ khác, thì sẽ nhận được sự chỉ trích nhiều hơn là những lời tâm sự góp ý chân tình. Vì thế, dạy con biết cách khiêm nhường và đối diện với thất bại là một điều vô cùng quan trọng.

Để rèn cho trẻ tính “chịu thua”, cha mẹ tuyệt đối không nên chê trách, chỉ trích con về điểm số và sự thất bại. Bởi nhiều bậc phụ huynh cho rằng nếu không phê phán, thì con sẽ không có chí tiến thủ và tìm cách vươn lên. Tuy nhiên, việc làm này chỉ khiến con thêm ức chế mà thôi. Có thể đặt một tiêu chuẩn phải vượt qua tùy thuộc vào khả năng của con, như vậy sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn. Khi con đạt được, cha mẹ cần ghi nhận bằng một lời ngợi khen là đủ để con tự tin rồi.

 
Ảnh minh họa.

Ngoài ra, khi con gặp thất bại trong học tập và cuộc sống, cha mẹ cần lời động viên hơn là cứ phàn nàn. Để có được thành công, không thể không có sự thất bại. Nếu bị chỉ trích, con sẽ ức chế và khó chịu, điều này có thể tạo ra một vài tính xấu như: nói dối mọi chuyện để che giấu, mất tự tin trong sự thất bại của mình… Vì thế khi con chới với, cha mẹ cần động viên con rằng, lần sau sẽ cố gắng hơn thì mọi chuyện chắc chắn thành công. Niềm động lực luôn là sức mạnh để con phấn đấu và đạt được mục đích đề ra.

Con không dốt, con sẽ chiến thắng – Đó là câu mà phụ huynh nên thường xuyên nói với con. Nếu cha mẹ làm tốt việc này, con sẽ dễ dàng vượt qua mọi thử thách. Nếu như lỡ thất bại đã ngay lập tức đầu hàng thì mọi việc sẽ ngày càng tồi tệ đi. Cho dù con có thành công hay không, thì con vẫn sẽ học được vô khối bài học có giá trị làm người.

Trong một cuộc tranh cãi với bạn bè, chắc chắn ai cũng muốn chiến thắng, nhất là với bạn bè. Vì thế, các bậc cha mẹ nên phân tích cho con rằng: chiến thắng chẳng đem lại điều gì, đôi khi nhường bạn chút ít sẽ tốt hơn, thì sẽ giảm dần tình háo thắng. Khi con sinh hoạt trong nhóm hoặc tập thể, nếu có điều gì ấm ức về kể lể với mình thì ta cần khuyên con “dĩ hòa vi quý”. Bởi lẽ, sống trong một tập thể, mỗi người nhường một chút, thì công việc sẽ tốt và tình bạn sẽ bền vững hơn.

Tuy nhiên, nhường nhịn không có nghĩa dạy con “ba phải” mà thay vào đó, các bậc phụ huynh cũng cần dạy con biết thể hiện chủ ý của mình mà không gây căng thẳng. Thực tế chứng minh, ngay lúc xảy ra sự việc thì ai cũng rất nóng giận. Nếu lúc đó cương quyết bảo vệ chính kiến, có thể sẽ nhận được nhiều hậu quả hơn là kết quả. Nhưng nếu chỉ cần kiên nhẫn, đợi cho mọi người bình tĩnh trở lại, rồi mới bày tỏ quan điểm của mình thì lúc đó mọi việc sẽ khác ngay. Bởi lẽ sau đó, ai cũng có thời gian để suy nghĩ kỹ, ta nên lựa chọn cách trình bày phù hợp, khoa học hơn thì chắc chắn sẽ bảo vệ được chính kiến của mình mà vẫn giữ được hòa khí chung.

“Thắng không kiêu, bại không nản” là kim chỉ nam chỉ đường cho mọi người, quả không sai vậy.