Từ những hành động thiếu trách nhiệm với trẻ, không lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của các em, người lớn đã vô tình làm cho trẻ dần dần ít bày tỏ quan điểm, thái độ riêng của mình, mà làm theo những gì người lớn nghĩ và áp đặt.
Ảnh minh họa.
Có những điều đối với người lớn tưởng rất giản đơn, bình dị nhưng với trẻ đó lại là niềm ước mơ, khao khát mà các em luôn cố kiếm tìm, khi không đạt được không ít em có cảm xúc tiêu cực như buồn bực, thất vọng, mất niềm tin vào cha mẹ, tự ti, thậm chí nhiều em có thái độ phản kháng quyết liệt và có thể tìm đến những mối quan hệ xấu gây hại cho các em. Với cái “quyền” của người lớn, nhiều khi chúng ta đã lấn lướt, át đi những quyền cơ bản của trẻ em; quên đi trách nhiệm lắng nghe trẻ em nói; quan trọng hơn là dành cho trẻ sự tôn trọng cần thiết. Nói hay không bằng lắng nghe. Làm thầy cô, cha mẹ không phải lúc nào cũng đưa ra những quyết định đúng. Nếu chúng ta tôn trọng các con, lắng nghe chúng nói, chúng ta sẽ hiểu được tâm tư, tình cảm riêng đôi khi rất sâu sắc của trẻ, từ đó thầy cô, cha mẹ sẽ đưa ra lời khuyên, định hướng đúng và các con mới “tâm phục, khẩu phục” để làm theo.
Biết lắng nghe trẻ nói chính là mở được cánh cửa tâm hồn trẻ. Thường xuyên lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy thầy cô, cha mẹ như là những người bạn thân thiết, có thể chia sẻ mọi chuyện buồn vui trong cuộc sống. Cha mẹ cần có thái độ bao dung đối với những lời nói, cử chỉ non nớt của trẻ, tôn trọng con dù suy nghĩ của con có ngây ngô đến đâu, từ đó, nhẹ nhàng dẫn dắt, chỉ bảo, uốn nắn con.
Môi trường xã hội ngày nay có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, trẻ em luôn phải đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, trong khi đó các em đang trong giai đoạn tâm sinh lý thay đổi liên tục với những suy nghĩ rất nhạy cảm, bồng bột, nếu không lắng nghe, thấu hiểu sẽ khó có thể bảo vệ, định hướng cho các em phát triển tốt nhất. Việc lắng nghe con nói chính là lòng yêu thương, sự trách nhiệm và tôn trọng để những “búp non” vươn cành xanh tốt trong tương lai.
Duy Nam