(NTO) Thời gian gần đây báo chí lại “rộ” lên chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là trên đàn heo dẫn đến tổn hại sức khỏe của người “tiêu thụ” những sản phẩm độc hại này. Qua thông tin, không ít người tiêu dùng tỏ ra lo lắng bởi lẽ thịt heo đã trở thành quen thuộc trong mỗi bữa ăn do dễ chế biến, dễ dùng!. Anh bạn tôi càu nhàu: - Không hiểu sao đối với những trường hợp làm ăn gian dối đó lại không bị xử lý cho nghiêm khắc để một lần “tởn đến già” không dám tái phạm nhỉ!. - Tất nhiên là có xử phạt chớ sao không, nếu bị phát hiện, chỉ có điều do mức phạt thấp hơn lợi nhuận mang lại nên... chẳng ăn thua. Còn nếu như ông sợ... bệnh tật thì đừng ăn thịt heo nữa!. Tôi nửa đùa nửa thật. Anh bạn tôi bực mình: - Nói như ông là... huề cả làng, vậy chả lẽ cứ để tình trạng “người mình” đầu độc nhau tái diễn mãi hay sao?...
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc
Xem ra, anh bạn tôi đã quá lo xa. Lâu nay trên địa bàn tỉnh chưa có thông tin (hoặc có nhưng chưa công bố chăng!) về việc phát hiện người chăn nuôi sử dụng các chất cấm, nhất là các chất Salbutamol, Clenbuterol… để tạo nạc cho heo.
Thực ra, do hám lợi nên người chăn nuôi đã sử dụng để “thúc” heo nhanh lớn, lượng nạc cao, xuất chuồng sớm để tăng lợi nhuận so với cách nuôi thông thường. Có thể là “vô tình”, chưa nhận thức được tác hại của việc sử dụng chất cấm, trong khi đó một số đối tượng đã “tiếp thị” chất này tận tay người chăn nuôi mà đa phần là nhỏ lẻ, phạm vi gia đình. Thấy lợi là làm mà không tính đến hậu quả cho người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu ăn phải loại thịt heo có tồn dư chất tạo nạc trong thời gian dài cơ thể sẽ nhiễm độc, ảnh hưởng xấu tới tim mạch, rối loạn tiêu hóa, nếu bị nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Điều cũng đáng nói nữa là các chất độc hại này dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa. Vì vậy, chất này còn tồn dư trong thịt bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu!.
Vấn đề đặt ra là để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần phải làm gì ngăn chặn “đại nạn” này? Có nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là cần xử lý thật nghiêm người vi phạm. Được biết, theo quy định tại Điều 317, Bộ Luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), hành vi sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… vượt ngưỡng cho phép sẽ được xem là hành vi phạm tội hình sự. Người vi phạm có thể bị xử phạt tới 5 năm tù, trường hợp phạm tội có tổ chức, thu lợi bất chính lớn, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt lên tới 20 năm tù. Ngoài ra, mức phạt tiền cũng khá nặng, từ 50-200 triệu đồng. Như vậy, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm ngay từ khi mới sử dụng chất cấm, không phải đợi tới lúc gây hậu quả mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thiết nghĩ, chuyện “xử ai, ai xử” đã rõ, vấn đề còn lại là trong thời gian tới, để luật được triển khai hiệu quả, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là ở các địa phương có cơ sở chăn nuôi để người dân, các hộ chăn nuôi biết và chấp hành nghiêm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các cơ sở sử dụng chất cấm, kể cả các hộ chăn nuôi tại nhà, các cơ sở nhỏ lẻ…
TD