CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

"Nghệ sĩ " đường phố

(NTO) Tôi cũng có dịp đi một vài nơi ngoài nước. Với cái nhìn của một du khách “ngắn ngày”, mới thấy rằng ở một số thành phố nước ngoài có một loại hình, tạm gọi là nghệ sĩ đường phố cũng khá thú vị, mà cư dân ở đó xem rất bình thường, chấp nhận và có khi còn khuyến khích (!?).

Tại một góc công viên, người nghệ sĩ già, tuổi có thể trên 70, vô tư ngồi kéo vi-ô-lông với những tình khúc lừng danh thế giới như Love story, Romeo-Juliet, The Longest day… Ở góc ngã tư khác, một cụ ông ngồi chơi ghi-ta say mê, với bài “Romance” bất hủ… Một “góc phố dịu dàng” nào đó, vài ba người trong ban nhạc “không tên tuổi” nhưng phối âm-phối khí rất tuyệt vời, chỉ với một cây accordéon, một vài chiếc trống con, họ thả hồn vào những ca khúc của Modern Talking, Abba… một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, trầm lắng, hết sức độc đáo, với những cung bậc và cảm xúc âm nhạc của chính họ. Họ “vô tư” như không… có ai chung quanh. Mặc cho “ông đi qua, bà đi lại” nhộn nhịp, họ hát như họ thích hát, không cần nhìn những đồng tiền “lì xì” của thiên hạ gởi vội, thế thôi. Nhưng thực chất, nếu ở nước ta thì họ chính là những người hành khất, người “ăn xin” theo đúng nghĩa của nó. Họ không ồn ào, không chèo kéo, xin xỏ, không gây khó chịu, không làm ảnh hưởng người chung quanh. Các bạn ạ, như thể họ coi đó là một nghề, một nghề chân chính để mà kiếm sống qua ngày…

Thế nhưng ở ta thì khác, các bạn ạ. Vài năm trở lại đây, với công nghệ rẻ tiền của nước ngoài, chỉ cần một “hệ thống phát âm” với giá hơn triệu đồng một tí, người ta đã có một “giàn” ka-ra-o-kê lưu động hết sức thuận lợi. Các cặp “nghệ sĩ” bất đắc dĩ tuổi choai, thường là một nam, một nữ, đèo nhau cùng với “cục loa” trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi trên các tuyến phố, tìm các hàng quán, mà thường quán nhậu là chính để… phục vụ quý khách. Dựng xe dưới lòng đường, quay “cục loa” với công suất cực đại vào trong quán, một “nghệ sĩ” biểu diễn các bài hát có âm điệu ai oán, nỉ non hoặc những ca khúc nhạc trẻ “thời thượng” nghe mà muốn… xé rách màn đêm. “Nghệ sĩ” còn lại thì mang các loại bánh kẹo đi từng bàn mời khách. Trời ạ, quán nhậu mà mời khách mua kẹo, có mà đánh đố! Nhưng các nghệ sĩ này có “chiêu” năn nỉ khách… dai hơn đỉa, chẳng khác nào trấn lột, o ép khách, quyết tâm mời cho… bằng được. Thế rồi, người ta vì quá bực mình nên buộc phải mua vài cây kẹo với giá trời ơi để tránh bị tra tấn, chèo kéo. Chưa dừng lại ở đó, khi khách hàng trong các quán nhậu “tới chỉ”, có nhu cầu “thư giãn”, các “nghệ sĩ” bèn cho mướn “hệ thống phát âm”, với giá một giờ 40-50 ngàn đồng gì đó để “thượng đế”… tự sướng. Thôi thì, giữa nơi công cộng, những tiếng hát “đặc sệt” rượu bia, giọng nhề nhệ, lè nhè của người say, làm ảnh hưởng cả không gian yên ắng, tĩnh lặng và trong lành của… phố đêm.

Tôi cũng hay la cà trên từng hàng xiêu quán cóc, mới chợt thấy tiếc nuối làm sao cho cái môi trường vốn luôn lành mạnh của thành phố Phan Rang, ngày càng bị vẩn đục bởi ảnh hưởng của dịch “nghệ sĩ” đường phố. Rất nhiều người dị ứng với loại hình văn hóa… tào lao, tự phát này. Nhưng thời gian vừa qua, các ngành chức năng của địa phương ta “hình như” chưa… thấy sự phức tạp cũng như mức độ ô nhiễm của nó, cả về ảnh hưởng mỹ quan đô thị lẫn tình hình an ninh trật tự… Một “thổ địa” cung cấp thông tin, ở Phan Rang có trên vài ba chục cặp “nghệ sĩ” loại này, chiều tối “các em” tung ra đi làm ăn trên những chiếc xe máy mang biển kiểm soát ngoài tỉnh và khuya về, chúng qua đêm tại các nhà trọ bình dân ven đô. Và… khó mà tránh khỏi các tệ nạn xã hội cũng từ đó mà hình thành và phát triển trong thành phố thân yêu của chúng ta!