Không xúc động sao được khi tôi đọc thơ ông từ những năm 60 của thế kỷ trước ngay ở Hà Nội, cho dù thơ của ông lúc đó mở đầu cho dòng thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ, sinh viên, học sinh yêu nước ở các đô thị miền Nam, xuất bản ở Sài Gòn mà bút hiệu của ông là Thiết Sử, hoặc Dương Phù Sao, Nguyễn Chính.
Thêm một sự xúc động nữa là trong kho sách lưu giữ ở Sở Văn hóa-Thông tin sau ngày giải phóng, lúc đó Nhạc sỹ Huy Sô, Phó Giám đốc Sở giao cho tôi lưu giữ, tôi đã đọc tạp chí Bách khoa, Văn, rồi Văn học, tên tuổi Phù Sao nằm bên cạnh những tên tuổi lớn như Bùi Giáng, Trần Văn Khê, Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiển Lê, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngu Ý, Tường Linh… Với Phan Duy Nhân không chỉ có thế, ông còn là một cựu tù Côn Đảo được trao trả sau Hiệp định Pari 1973, sau đó trở về Khu ủy Khu V, tiếp tục ra miền Bắc, nhiều năm làm Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ.
Tập sách “Phan Duy Nhân - Thơ và Đời” do nhóm làm sách thực hiện cũng chỉ mới tập hợp được một phần những sáng tác của ông, và quan trọng hơn là những bài viết của những đồng đội, những nhà văn, nhà báo viết về ông trong dòng văn học yêu nước tại các đô thị miền Nam trước năm 1975.
Trong tất cả các bài viết rất tâm đắc ấy có một bài “Trầm luân nào có chừa ai” của ông Dương Đức Quảng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí và Giám đốc Trung tâm Báo chí Văn phòng Chính phủ làm tôi không cầm được nước mắt qua một mẩu chuyện đại để như sau:
Tết Mậu Thân năm 1968, ông Nguyễn Duy Nhân bị địch bắn gãy chân rồi bị bắt. Viên sỹ quan cảnh sát dã chiến Sài Gòn tên N. T cầm cẳng chân bị bắn gãy của ông Nhân xoay qua, xoay lại rồi hỏi: - Mày tên họ là gì? Ông Nhân nghiến răng chịu đau, trả lời: Họ Việt, tên Nam! - Mày làm nghề gì? Cứ thế tên cảnh sát xoay qua, xoay lại… Ông Nhân ngất hẳn đi không còn biết gì nữa…
Sau ngày thành phố Đà Nẵng được giải phóng, tên cảnh sát ra trình diện tại Quận 1, Đà Nẵng, gặp lại ông Nhân, tên cảnh sát dã chiến Sài Gòn ấy quá sợ hãi… Không ngờ ông Nhân nhẹ nhàng sát lại gần ôm lấy đứa con gái của viên cảnh sát N.T khoảng 10 tuổi và nhỏ nhẹ nói với N.T: Anh hãy quên chuyện cũ, thành tâm cải tạo cho tốt để sớm về với cháu.
Câu chuyện không dừng lại ở đó. 10 năm sau nữa, ông Nhân có chuyến công tác đến tỉnh Ninh Thuận, không ngờ lại gặp N.T… Thì ra N.T sau cải tạo trở về đã rời Đà Nẵng cùng vợ con vào Ninh Thuận để làm ăn sinh sống. Sự gặp gỡ bất ngờ khiến hai người ôm lấy nhau nghẹn ngào, và càng nghẹn ngào hơn khi đến nhà N.T, ông Nhân thấy ảnh mình do N.T cắt ra ở một tờ báo nào đó, phóng to lên treo ở một bức tường trang trọng…
Có thể nói, tập sách công phu “Phan Duy Nhân - Thơ và Đời” do nhóm làm sách sưu tầm là một cuốn sách giá trị đầy ắp tư liệu của phong trào học sinh, sinh viên miền Nam trong những tháng năm đất nước bị chia cắt. Ở đó không chỉ có những bài viết trung thực, sống động mà còn có rất nhiều ảnh tư liệu. Đó là các nhà văn, nhà báo tên tuổi đồng niên với ông Phan Duy Nhân. Đó là Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đông Nhật, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Thị Kim Cúc, GS.TS Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên miền Nam Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Thanh niên ngay từ những ngày đầu…
Trong bài viết về ông Phan Duy Nhân, Giáo sư Mai Quốc Liên có nói: “…Anh công tác tôn giáo, phụ trách Ban Tôn giáo của Chính Phủ trong nhiều năm, và là một chuyên gia hiểu sâu sắc những vấn đề rất phức tạp của tôn giáo ở nước ta. Nhà văn Vũ Hạnh gặp anh, cũng nói: Cũng hiếm có một người như vậy!”.
Quả là cuộc đời của ông Phan Duy Nhân thật đáng nể trọng. Với một cuộc đời như thế nên thơ của ông cũng được làm ra từ trái tim và nước mắt. Do khuôn khổ bài viết có hạn tôi chỉ giới thiệu một bài thơ ngắn của ông viết vào ngày 6-9-1968 khi bị địch bắt trước lúc bị đày ra Côn Đảo:
Ba đi dưới ngọn cờ hồng
Lòng ba vời vợi muôn trùng nước non
Mai ba hòa với tim con
Thiết tha tim má, chứa chan tim đời
Mai con khôn lớn lên người
Theo ba, đôi mắt rạng ngời ánh sao…
Trần Duy Lý
(Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận)