CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Nấu bánh tết

(NTO) Con hẻm cụt gồm sáu gia đình gắn bó với nhau rất lâu, lâu lắm rồi, từ cái hồi cơ quan cấp Ty chuyển lên thành Sở. Trước kia, nơi đây vốn là khu đất trống, được cấp cho công chức chưa có nhà ở, thế là hình thành nên cái “xóm” nhỏ khá là mẫu mực trong khu vực từ công việc cơ quan, sinh hoạt gia đình, quan hệ xã hội, trách nhiệm công dân nơi cư trú… Cư dân ở đây đều thể hiện căn cơ, bài bản, khó có ai mà chê trách họ được!

Ấy là cuối thời kỳ “bao cấp”, khoảng năm 86, 87 gì đó của thế kỷ trước. Tết năm đó, từ hai mươi tháng Chạp, các hộ đã “vần đổi công” cho nhau từ việc tân trang nhà cửa, tu sửa cổng nhà, tường rào, nâng cấp “xi-măng hóa” lên đời con hẻm cho bằng chị, bằng em với các con hẻm khác trong khu vực. Rồi thì với “mớ” tem phiếu tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm dành cho cán bộ, công chức, người già, con trẻ “ăn theo”… từng gia đình đã chuẩn bị cho mình tương đối đầy đủ để đón một cái Tết đầm ấm, sum vầy. Tuy nhiên, chiều hai mươi bảy Tết, sáu vị chủ hộ có “phiên họp đột xuất” để… kiểm điểm, đánh giá lại lần cuối cùng các công việc đã “triển khai thực hiện” ăn Tết như thế nào cho cả hẻm có… khí thế. Cuộc họp thống nhất ban hành nghị quyết: “phải làm sao để mỗi gia đình đều có những chiếc bánh chưng truyền thống trong dịp Tết…”, thế là tiến hành.

Ảnh minh họa.

Đến chiều hăm chín tháng Chạp, sáu gia đình đã chuẩn bị đầy đủ, tươm tất nguyên, nhiên, vật liệu cho công tác gói, nấu bánh chưng như: nếp, đậu xanh, thịt, lá chuối, dây lạt, các loại gia vị… không thiếu món gì, kể cả củi đun, nồi nhôm to và ba ông táo bếp lò cũng đã được khuân về đặt cuối con hẻm, nơi dự kiến tối giao thừa nấu bánh.

Ngay từ mờ sáng ba mươi, người già, trẻ em, nói chung là nam-phụ-lão-ấu đều chỉnh tề có mặt, chuẩn bị “tác chiến” việc… trọng đại. Dưới sự chỉ huy của lão Mai, vốn là trưởng phòng hành chánh cơ quan, người được cả con hẻm “chỉ định” làm… “ma ma tổng quản”. Nhìn lão lúc này trông thật buồn cười, người ốm tong teo như cây sậy, quần ống cao, ống thấp, chuyên… chỉ tay năm ngón, miệng quát tháo phân công. Thôi thì người ngâm đậu, nếp; kẻ chẻ lạt, lau lá; bà chị ra cửa hàng “tươi sống” nhận thịt tem phiếu; ông anh lo kéo mấy gộc củi vào bếp lò… Ai ai cũng có việc làm… tương đối ổn định. Tới khoảng xế chiều thì ba mươi cặp bánh chưng đã nằm gọn trong nồi, chờ lên giàn… đốt, đúng như kế hoạch đề ra, giờ giấc thật sít sao, không chê vào đâu được.

Thời gian nấu bánh theo tính toán được bắt đầu từ sáu giờ chiều ngày ba mươi cho đến năm, sáu giờ sáng ngày Mùng một thì vớt bánh, vừa với buổi cúng ông bà sáng đầu năm. Lần đầu tiên nấu bánh… tập thể nên cả sáu gia đình đều tích cực tham gia, vừa là góp… vui, vừa là có dịp hoài niệm cái không khí xa xưa đêm ba mươi nấu bánh nơi quê nhà thời “nhỏ nhít”. Thôi thì cả con hẻm nhộn nhịp từ chiều cho đến gần khuya, người lớn thì tập trung vừa canh củi lửa, châm thêm nước vào nồi bánh, vừa chuyện trò, trà lá; trẻ con thì nô nức đùa vui… Sau khi đón giao thừa xong, chỉ còn sáu ông chủ nhà với mâm rượu thịt được bày ra, vừa nhâm nhi, vừa trông nồi bánh. Vì là cả ngày ba mươi ai nấy đều tích cực “công tác” cho đến tận giờ, lại vừa ngà ngà say, nên có sức voi cũng chả chịu thấu. Đầu tiên là một người tạm nằm, rồi người nữa nghỉ lưng, người thứ ba nằm tí cho đỡ mỏi…, rồi đến người thứ sáu cũng lăn ra ngủ. Ha ha. Tới khoảng ba giờ sáng thì một bà cụ “nghe” mùi cháy khét, chạy ra xem, thì ra bên cạnh sáu người ngủ say như chết, cái nồi không còn giọt nước, bên trong là những cái khối vuông vuông (như là bánh chưng) đen xì xì, phát ớn!

Năm đó, cả con hẻm hưởng cái Tết với nguyên nồi bánh chưng cháy đen và từ đó về sau, không một thành viên nào trong hẻm dám… nhắc lại chuyện cũ!.