Một thoáng xanh xưa: Cái tình trong thời chiến

(NTO) Nhờ thơ Võ Thị Hồng Tơ đã trở nên rất quen thuộc với nhiều bạn yêu thơ trong cả nước suốt thập kỷ qua. Ngoài tuyển tập in chung cùng các nhà thơ nữ Bình Thuận thì chị cũng dành cho mình 3 tập thơ riêng. Tập thơ đầu tay của chị có tựa đề “Trăng quê khuyết nửa” in năm 2006; tập thơ thứ hai in năm 2008, có tựa đề “Chiều nghiêng” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Và mới đây, chị giới thiệu đến bạn đọc tập thơ “Một thoáng xanh xưa” do Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng ấn hành.

Tập thơ “Một thoáng xanh xưa”, chị đặc biệt dành nhiều tình cảm với người lính, người mẹ, người chị, người em… chịu nhiều đau thương, mất mát sau chiến tranh. Đồng thời, ca ngợi tình yêu đôi lứa một lòng thủy chung son sắt và tình cảm tri ân của đồng đội với những người đã khuất. Ở mỗi số phận, nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ như hóa thân vào nhân vật để nói thay cho họ.

Chiến tranh qua đi, nhưng ký ức ức về chiến tranh không bao giờ phai trong tâm trí của người lính. Một thời cùng nhau xông pha chiến trường, cùng vào sinh ra tử, nơi khói bom lửa đạn ấy có biết bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh phải nằm lại núi rừng khiến cho những người đang sống cứ mãi bùi ngùi nghĩ về đồng đội đã khuất: Các anh các chị đâu rồi/Để rừng xưa, lá phủ bời chân mây/Tôi về thăm chiến trường đây/Vẫn còn dấu võng trên cây rối bời… Chiến khu/Thương đến bàng hoàng/Rưng rưng lòng đất âm vang mái trời/Rừng xưa cây gọi gió mời/Cho tôi thương nhớ/Về nơi chiến trường (Cho tôi tìm lại khoảng trời).

Không bùi ngùi xúc động sao được khi mà đi tìm các đồng đội năm xưa chỉ còn lại dấu tích: Núi đèo sấp ngửa bàn chân/Tôi đi tìm lại tím ngần nỗi đau/Gió sương bạc phếch mái đầu/Góc cây làm dấu/Ngả màu rêu phong… Giữa rừng gió níu chân tôi/Còn đây tảng đá đêm ngồi ngắm trăng/Bồ đề bóng tỏa giăng ngang/Tên anh, tôi khắc/Đã vàng vọt rêu!... Núi non/Ôm trọn dáng chiều/Thay người trong đất nói điều biệt ly/Về nơi thăm thẳm hoa quỳ/Tôi nghe vọng tiếng Từ quy gọi đàn (Đi tìm đồng đội).

Tình đồng đội mà họ dành cho nhau thật cảm động: Nhớ tình đồng đội bao năm/Nên tôi lặn lội tìm thăm bạn hiền/Chạnh lòng mái dột mưa hiên/Cánh tay còn một nỗi niềm nhói đau/… Ôm nhau cho thỏa vui mừng/Lại ran ríu chuyện chiến trường xa xưa/Chén cơm đồng đội rau dưa/“Chiến trường” bên tiếng gà trưa bộn bề (Tình đồng đội).

Chiến tranh đã khiến cho người vợ, người mẹ trẻ mất đi người chồng thật đau đớn: Gánh tình/Mẹ gánh trên vai/Buồn thương theo tiếng thở dài qua đêm… Nửa đời lội ruối băng truông/Cha đi ở lại Trường Sơn chẳng về/Thương chồng tơi cụp nón mê/Chén cơm trộn nước mắt quê rối bời… Lạy trời cha hóa cơn mây/Mưa về bên mẹ cho ngày đỡ hanh/Lạy trời trên cõi cao xanh/Mây kia rắc hạt mưa lành xuống tôi/Bỏ qua bao ánh mắt mời/Mẹ về khâu áo bên cơi đựng trầu/Không chồng mẹ vẫn làm dâu/Nuôi con gánh cả cơn đau mất chồng (Bên cơi đựng trầu).

Và chiến tranh đã phá hỏng hạnh phúc của chị, để chị phải lỡ hẹn với người mình yêu: Tuổi chị bây giờ như lá trầu cơi/Thương cau rụng/Đêm trăng tròn lại nhớ/Cứ mỗi bận đi qua nghe gió đùa mắc cỡ/Bến sông buồn xao xác lục bình trôi… Anh đã ra đi/Rạng rỡ tuổi đôi mươi/Giây phút chia xa ngày về không dám hẹn/Chiều tháng chạp/Nước dâng tràn ngập bến/Heo may về thay áo cưới cho đông/Từ đó đêm đêm… chị ra bến không chồng (Bến góa).

Sức mạnh tình yêu người lính trong thơ chị thật đẹp, dù trong hoàn cảnh chiến tranh họ cũng luôn dành tình cảm cho nhau: …Nơi người lính đi qua/Lá rừng thêm nhựa sống/Nơi chiến trường đi qua/Đất sẫm màu cháy bỏng/Chỉ tình yêu người lính/Biết xanh màu thời gian/Giữa đôi bờ ngăn cách/Sóng vẫn tìm bơi sang/Tình vẫn xanh như suối/Tình vẫn xanh như rừng/Tình anh theo gió núi/Thổi về em rưng rưng (Tình yêu người lính).

Ai đã từng đọc tập thơ “Một thoáng xanh xưa” của nhà thơ Võ Thị Hồng Tơ sẽ dễ nhận thấy số phận người phụ nữ trong thơ chị trong và sau chiến tranh phải chịu nhiều đau khổ nhưng vẫn giữ được bản chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Bằng những vần điệu truyền thống quen thuộc, đặc biệt là những dòng lục bát, cộng với cách dùng từ khéo léo, chị đã diễn tả nhân vật rất phù hợp với bối cảnh “cái tình trong thời chiến”.