Chút tản mạn về "Bài ca không quên"

(NTO) Đang mải xem chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” số đặc biệt chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thì cô gái út từ trong phòng chạy ra nói: Ba có tin nhắn. Ừ, con đọc ba nghe. Con bé lướt qua rồi thông báo: Chương trình gặp mặt Hội Cựu chiến binh… gì đó vào ngày 20 tháng 12, mà cựu chiến binh là gì vậy ba?

Có thế mà không biết, là hội của những người đã trải qua chiến đấu, tôi trả lời. Không bằng lòng cháu hỏi vặn: Thế còn mấy anh đi lính nghĩa vụ khu phố mình sao giờ cũng là cựu chiến binh. Thật bất ngờ bởi cháu quan tâm đến người lính như vậy, tôi trả lời cho qua chuyện: Cái này thì ba chịu! Nói là hội nhưng thực ra nhóm chúng tôi gồm những cựu chiến binh Mặt trận 579 tự lập ra “Câu lạc bộ sĩ quan Trường Lục quân”, ngôi trường chúng tôi cùng học. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Trường, cũng là dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội, chúng tôi tổ chức gặp mặt cùng nhau ôn lại thời “lính chiến” oai hùng, chia sẻ giúp đỡ nhau những vui buồn, hạnh phúc trong cuộc sống.

Tháng 5 năm 1979, những cậu học trò “nhất quỷ, nhì ma” chúng tôi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc tình nguyện lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới tây Nam của Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện tốc hành, tháng 7 năm 1979 chúng tôi hành quân tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Mặt trận 579 (viết tắt Quân khu 5, thành lập năm 1979) bao gồm các tỉnh vùng Đông Bắc Cam Pu Chia là Mondonkiri, Ratanakiri, Stungtreng và Preah Vihear. Sau mười năm chiến đấu trên chiến trường Mặt trận 579 đầy nhọc nhằn, cam go, ác liệt, hy sinh, góp phần vào sự hồi sinh của đất nước Chùa Tháp, lúc này đứa mang quân hàm thiếu uý, đứa thượng sĩ được trên đưa về nước học sĩ quan, tạo nguồn cho Quân đội sau này. Ra trường, nhóm chúng tôi đứa về các tỉnh, đứa ở đơn vị chủ lực của Quân khu, của Bộ. Được ít năm, đứa tiếp tục tại ngũ, đứa chuyển ngành ra cơ quan dân chính, làm doanh nghiệp, có đứa vì hoàn cảnh gia đình xuất ngũ về quê. Vì thế “Câu lạc bộ sĩ quan Trường Lục quân” không chỉ là nhóm những người học cùng trường sĩ quan, cùng có thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam Pu Chia mà còn là những cựu chiến binh thực thụ, sĩ quan chính quy trong Quân đội. Năm nay, câu lạc bộ chúng tôi đón nhận thành viên mới nhưng thực ra là cũ. Anh vốn cùng tiểu đoàn bộ binh 16, Đoàn 5504 (Đoàn bộ đội tình nguyện tỉnh Thuận Hải), cùng chiến đấu trên vùng Đông Bắc Cam Pu Chia. Anh tâm sự: Các ông thông cảm cho mình, thời gian qua do quá bận công việc cơ quan (anh vốn là thủ trưởng được trên cho nghỉ hưu trước tuổi) nhiều lúc dịp thành lập Trường sĩ quan, kỷ niệm ngày vào tiểu đoàn 16, đồng đội điện thoại mời họp gặp mặt truyền thống nhưng không dự được, nghĩ lại thấy mình có lỗi với các bạn nhiều quá. Nhớ thời ở nước bạn chiến đấu ác liệt, hi sinh là vậy mà tình đồng chí keo sơn gắn kết sau này điều kiện thuận lợi rất nhiều mình lại ít gần gũi anh em, âu cũng là “căn bệnh”... Nghe anh nhắc đến “căn bệnh” với giọng buồn buồn chúng tôi cũng thấy mình có lỗi. Có lẽ, ở mỗi cương vị công tác khác nhau, những anh bộ đội Cụ Hồ ít nhiều bị chi phối bởi công việc, các mối quan hệ đan xen thời kinh tế thị trường để rồi có những phút giây lãng quên đồng chí, đồng đội một thời kề vai sát cánh bên nhau nơi chiến trường. Nghe anh trải lòng, chúng tôi như nhẹ người thêm, bởi trước đây đã biểu quyết “loại ra khỏi bộ nhớ” không xem anh là đồng đội. Hôm nay gặp nhau, cả anh và chúng tôi đều nhận ra mình ai cũng có “căn bệnh”, vui mừng ôn lại thời gian khổ, hào hùng ấm tình đồng chí, đồng đội.

Cuộc sống vốn là vậy, không có gì là hoàn hảo, chút tản mạn về “Bài ca không quên” không chỉ nói về những đồng đội khoác áo lính cùng nhau chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà trong cuộc sống thường ngày nếu ai đó không biết trân trọng giữ gìn quá khứ tốt đẹp thì sẽ tự đánh mất chính bản thân mình. Trong dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và thời khắc đón chào Giáng sinh cùng năm mới 2016, những phút giây lãng quên cùng bao kỷ niệm, dấu ấn đã qua giúp ta làm giàu thêm hành trang vững bước trong cuộc sống.