Thời đó, rất ít, chỉ một vài ngành học là đơn giản không thi tuyển, còn lại là phải thi đầu vào, khó le lưỡi luôn, trong đó có ngành Sư phạm. Rất tiếc, sau này, số đông bạn trẻ thường hay ca ngợi và ưu tiên chọn “nhất Y, nhì Dược,… tạm được Bách khoa”, để rồi “chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”… Nhiêu đó cũng thấy, ngành đào tạo ra các thầy, cô giáo bị… xem thường biết chừng nào!
Thuở đó, tôi có người bạn (nay bạn còn công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận) sau tú tài định vào Sài Gòn học Kiến trúc, nhưng vì “người ấy” chọn vào Sư phạm Nha Trang (để gần nhà), nên dĩ nhiên là bạn tôi cũng phải “theo” vào vì sợ mất người yêu. Ra trường, bạn tôi được phân công về Phan Thiết, còn người yêu thì ở lại Nha Trang. Xa mặt thì cách lòng, hai năm sau, cô kia lấy chồng, còn bạn tôi thì… trớt quớt!
Kể lại như thế để các bạn thấy ngành Sư phạm được xã hội trân trọng như thế nào! Mà đúng vậy thật, tôi còn nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Những người thầy, mà từ xưa đến nay dù ít tuổi hay cao tuổi, dù “vinh hoa khoa bảng” hay chỉ là anh giáo làng bình thường, đều được xã hội kính trọng, nể vì. Tôi có những người thầy, vẫn kiên cường bền bỉ “yêu trò, bám nghề” vượt qua thời kỳ bao cấp gian khó, vượt nhiều ghềnh thác hiểm nguy, cả đời mình chỉ làm “người đưa đò thầm lặng”, mà không một lời ta thán hay “đánh bóng tên tuổi”, cho đến lúc về hưu lòng vẫn phơi phới hân hoan!
Thế nhưng, qua năm tháng, khi nghĩ về những người thầy đã từng dạy dỗ mình, một số người vì lý do nào đó, đã không còn thể hiện tình cảm của mình đối với thầy, cô như xưa, mất dần tinh thần “tôn sư trọng đạo” truyền thống. Năm ngoái, tôi ghé thăm người bạn làm giáo viên, nay đã nghỉ hưu ở khu tập thể giáo viên tỉnh bạn. Cũng nhân dịp ngày Nhà giáo, bạn tôi tâm sự: Hồi còn đi dạy, thì năm nào cũng một nhà toàn… hoa, cảm động lắm, vui lắm, nhưng mai là héo hết trơn, phí tiền quá, nhưng chẳng lẽ đề nghị… quà khác. Chừng về hưu rồi thì chả thấy mống nào ghé thăm. Rồi bạn tôi chỉ tay về hướng mấy căn hộ dày kín xe đạp, xe máy trước sân, có liên hoan, có karaoke ầm ĩ, đó là nhà các giáo viên đang dạy những môn học thời… cơ chế như: Toán, Lý, Anh, Tin học… Còn đối với giáo viên đứng lớp với các môn không quan trọng, “có cũng như… không” là: Sử, Thể dục, Âm nhạc, Giáo dục công dân… hoặc là về hưu như tớ thì nhà họ vắng vẻ như… nhà mình vậy thôi. Buồn chứ ông!
Qua chuyện của bạn làm tôi nhớ lại chuyện năm cũ, tôi có hai đứa cháu cùng học Sư phạm mới ra trường, xin việc. Đứa có cha mẹ “quan hệ’ rộng, được phân công tại Đông Hải, địa bàn thành phố, mừng hết biết. Đứa kia “yếu” hơn, về xã An Hải, thuộc huyện. Nhưng hết sức buồn cười là điểm trường Phú Thọ (Đông Hải) lại xa trung tâm thành phố trên 10km, còn trường An Hải chỉ cách thành phố chưa đầy 1km. Đúng là “hên-xui”!
Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo 20-11 năm nay, mong rằng sự tri ân của xã hội với những người “đưa đò thầm lặng” gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, là nét đẹp văn hoá ngàn đời, là truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, luôn thể hiện trong tình cảm và hành động của mỗi người chúng ta, “trọng thầy mới được làm thầy” vậy!
Minh Sĩ