Chỉ có tấm bảng đen là đúng nghĩa, bởi viết và lau thường xuyên nên nó vô cùng bóng loáng, riêng những ô ly thì ngày càng nhạt dần theo thời gian. Đập vào mắt là nét chữ của Thầy viết trên bảng rất đẹp, đều và thẳng tắp từng hàng.
Tôi nghe rõ mồn một giọng đồng thanh của các em:
Dẫu mai đi mọi phương trời. Những lời Thầy dạy đời đời khắc ghi.
Cha Mẹ có công sinh thành. Thầy cô dạy bảo nên danh sau này. Cho con biết những điều hay. Công thành, danh toại ơn này chớ quên...
Lòng tôi như lắng xuống khi nhìn thấy những đôi mắt trẻ con long lanh ngời sáng. Giọng ông giáo già trầm, ấm, nhẹ nhàng, nụ cười đôn hậu khi nghe các em đọc thuộc làu từng câu, từng chữ mình dạy. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được.
Với tôi mãi mãi muôn đời, người Thầy là hình ảnh chiếc áo the đen, bút lông mực tàu, ngồi nơi phiên chợ; là chiếc áo thâm đứng trước hàng ghế gỗ nâu trên bục giảng trường làng; là bộ Âu phục sang trọng chuẩn mực giữa giảng đường Đại học... Thầy có thể là người bình thường mà chúng ta gặp đâu đó giữa chợ đời muôn mặt bởi tấm lòng nhân từ thể hiện ở khắp mọi nơi trong lớp áo nhà quê. Người Thầy bao giờ đối với tôi cũng là hình ảnh thân thương cộng với sự biết ơn và lòng kính trọng. Tôi nhận được ở người Thầy không những là dòng chảy của kiến thức mà quan trọng hơn đó là nhân cách, là tấm gương soi cho mỗi đời người... Điều tôi ghi ra – nói theo một nhà văn lớn – chỉ có giá trị như một gạch nối. Cái giữ lại bên trong mãi mãi là những dòng sông nối liền mạch đời tuôn chảy triền miên.
Cho tôi xin giữ lại nỗi nhớ nguyên vẹn ấy vào lòng, hôm nay và cả mai sau!
Thùy Trang