Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm trong tỉnh

(NTO) Đồng bào Chăm tỉnh ta có trên 16.720 hộ với hơn 77.860 khẩu, cư trú tập trung tại 35 thôn, khu phố của 13 xã, thị trấn thuộc 06 huyện, thành phố. Nhiều nhất là huyện Ninh phước có 20 thôn, khu phố với 10.268 hộ/46.210 khẩu; kế đến là huyện huyện Thuận Nam có 08 thôn với dân số 2.899 hộ/15.012 khẩu.

Thấp nhất là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chỉ có 01 thôn với 317 hộ/1.715 khẩu. Đồng bào Chăm sống tập trung ở vùng đồng bằng, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Những năm qua, thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18-2-2004 của Thủ tướng Chính phủ,UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2887/KH-UB ngày 18/10/2004 và Kế hoạch số 5792/KH-UBND ngày 10-12-2012 về phát triển kinh tế-xã hội bảo đảm an ninh, trật tự xã hội đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Trong đó xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói-giảm nghèo và nâng cao đời sống, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh trật tự đi đôi với củng cố hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng đồng bào Chăm…Vậy kết quả ra sao?.

 

Bà con Văn Lâm 2 đóng góp xây dựng cổng thôn văn hóa khang trang.

 Từ đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng…

 Từ thực tiển của địa phương, tỉnh ta xác định để tạo động lực cho phát triển sản xuất việc làm đầu tiên là đầu tư cho các công trình thuỷ lợi. Hơn 10 năm qua, tỉnh đã tập trung giải quyết tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn các huyện Ninh Phước, Thuận Nam nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống. Giai đoạn 2005-2014, UBND tỉnh đã bố trí trên 518,47 tỷ đồng, đầu tư cho 18 công trình hồ đập, hệ thống kênh mương thủy lợi cấp II, III. Đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng Hồ Bầu Ngứ; hệ thống kênh cấp I Tân Giang; kênh L16,17, Hồ chứa nước Sông Biêu, hồ chứa nước Lanh Ra và kiên cố hóa hàng chục km kênh mương nội đồng khác. Từ đó đã tăng thêm năng lực tưới chủ động nước trên 3.500 ha đất nông nghiệp, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ngày càng nâng cao sống nông dân. Song song với đó, các công trình giao thông, nhất là các tuyến giao thông liên xã, liên thôn trong vùng đồng bào Chăm được chú trọng đầu tư nâng cấp mới với 21 công trình có tổng chiều dài trên 79,8 km, tổng vốn đầu tư trên 71,25 tỷ đồng. Qua đó đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn và liên vùng. Đây cũng là cơ sở để góp phần đáp ứng tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, ngành điện đã đầu tư cải tạo phát triển trên 42,45 km đường dây trung áp và 214,08 km đường dây hạ áp, tính đến nay trên 99% số hộ dân đã sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên, an toàn. Chương trình MTQG về nước sạch và VSMT nông thôn được thực hiện ở hầu hết các xã vùng đồng bào Chăm với trên 90% các hộ dân được sử dụng nước trong hệ thống từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia...

...Đến “điểm nhấn” phát triển kinh tế-xã hội

Với các nguồn lực đầu tư như đã nêu trên đã ngày càng phát huy hiệu quả. Chỉ đề cập đến sản xuất nông nghiệp cho thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực như năng suất và chất lượng sản phẩm mỗi năm đều tăng cao, quy mô sản xuất được mở rộng; hình thành nhiều vùng chuyên canh tập trung: Vùng chuyên canh cây lúa chất lượng cao ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải. Vùng sản xuất rau an toàn ở huyện Ninh Phước, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Vùng chuyên canh cây mía ở huyện Ninh Sơn, Bác Ái. Đã liên kết sản xuất giống (lúa, bắp, đậu..) hàng năm trên 2.000 ha, với sản lượng giống các loại trên 12 ngàn tấn, trong đó chủ yếu là lúa giống (9.093 tấn), bắp giống (2.500 tấn)...Đối với các cây trồng chính, nhờ xây dựng các Hồ chứa nước và hệ thống tưới tiêu đồng bộ nên tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 79.640 ha, tăng trên 17.350 ha so với năm 2004, trong đó vùng đồng bào Chăm chiếm khoảng 1/3 diện tích gieo trồng. Chủ lực là cây lúa với diện tích thực hiện gần 42.730 ha, tăng 8.876 ha, sản lượng đạt trên 265.357 tấn, tăng 107.707 tấn so với năm 2004; cây bắp 13.950 ha, sản lượng 58.524 tấn; cây nho 816 ha, sản lượng 20.328 tấn; cây táo 1.118 ha, sản lượng 42.398 tấn... đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào Chăm. Đáng nói là nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao tại vùng đồng bào Chăm, như mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “cùng Nông dân ra đồng”, “Cánh đồng mẫu lớn”…làm tăng năng suất và giảm giá thành nâng cao thu nhập cao hơn so với sản xuất truyền thống. Về cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ, phát huy được lợi thế tại vùng đồng bào Chăm. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được xác định là ngành sản xuất chính của đồng bào Chăm, những năm trước đây chăn nuôi heo và nuôi trâu, bò quản canh truyền thống thì những năm gần đây đại bộ phận hộ chăn nuôi theo bán thâm canh và chăn nuôi trang trại. Tổng đàn trâu, bò, dê, cừu của đồng bào Chăm đến năm cuối năm 2014 trên 310.128 con.

 

Một góc làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên

 Về thương mại dịch vụ hầu hết các hợp tác xã vùng đồng bào Chăm tại huyện Thuận Nam và Ninh Phước hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Các ngành nghề truyền thống của đồng bào Chăm được nhà nước quan tâm đầu tư, giúp đồng bào khôi phục và phát triển, như làng nghề gốm Bàu Trúc, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ. Qua đầu tư hạ tầng làng nghề đã tạo điều kiện giao thông thuận tiện cho nhân dân làng nghề, nhất là khách tham quan du lịch làng nghề được thuận lợi, hoạt động kinh doanh sản phẩm làng nghề được nâng lên. Môi trường làng nghề được cải thiện, đảm bảo nhu cầu điện, nước cho sinh hoạt. Tổ chức các tour du lịch trong và ngoài tỉnh gắn kết với tham quan làng nghề… do đó sản phẩm của làng nghề từng bước được quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

 Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng mơ rộng; các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao hàng năm; nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Chăm được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy; nhiều phong tục tập quán không phù hợp từng bước được xóa bỏ. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư và phát triển; công tác y tế dự phòng được thực hiện tốt. Mối quan hệ đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư ngày càng gắn bó. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Chăm nhìn chung được giữ vững, lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, nâng lên...

Theo đánh giá của cơ quan chức năng về kết quả thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của UBND tỉnh cho thấy cơ bản đạt và vượt các mục tiêu chung đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo từ 14,3% năm 2004 nay giảm còn 5,04% (chỉ tiêu còn dưới 7 %); có 99 % số hộ sử dụng điện lưới Quốc gia; tỷ lệ học sinh đi học đạt trên 95%; 100% thôn, khu phố phát động khu phố văn hoá và 71% trong số này được công nhận (chỉ tiêu 65%). Hay như tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 30 % năm 2004 thì nay đạt trên 90%...

Khó có thể nói hết những nổ lực từ tỉnh đến cơ sở và cả Nhân dân vùng đồng bào Chăm trong việc thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT–TTg ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ. Những kết quả đạt được sẽ là nền tảng để tỉnh ta tiếp tục thực hiện đạt nhiều thành tựu cao hơn trong những năm tới.

 Một số hình ảnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm trong tỉnh

 
 
Hồ Sông Biêu có dung tích chứa trên 23 triệu m3 nước, đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 1.200 ha đất sản xuất,
mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp cho các địa phương trong khu vực.
 
 
Lễ hội Katê năm 2015 tại tháp Pô Klong Garai.
 
 
 
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước).
 
 
Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Mỹ Nghiệp (Phước Dân, Ninh Phước).