Nụ cười công chức

(NTO) Trong lần dự hội nghị tổng kết của một doanh nghiệp, tôi hơi ngạc nhiên bởi bản cáo ngoài kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, có nội dung đánh giá về “Nụ cười…”.

Nụ cười trở thành tiêu chuẩn của cán bộ, công nhân viên và tạo nên “cú hích” thật sự cho thương hiệ u doanh nghiệp. Còn trong các cơ quan nhà nước thì sao? Tôi bỗng liên tưởng đến “Nụ cười công chức”!?

Cán bộ UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước) tiếp công dân tại bộ phận “một cửa”. Ảnh V.M

Anh bạn nhà báo có lần trêu tức tôi: Này, cơ quan ông đúng là số một trong bộ máy hành chính? Có gì ẩn ý đây, tôi phang thẳng: Bạn bè có gì cứ nói toạc ra, sao phải bóng gió vậy. Không để ý đến kiểu nói ngang như cua của tôi, anh ôn tồn: Vừa rồi một cô phóng viên có hỏi anh chuyên viên cơ quan cậu về công việc chuyên môn, cứ nghĩ cánh báo chí họ nể hướng dẫn tận tình, không ngờ anh ta chỉ vào quyển sách dày cộp “trong đó, mở mà xem”. Cô về báo cáo, rồi xin: Từ nay, anh đừng cử em đến cơ quan đó nữa. Đấy, ông thấy cơ quan ông đúng là số một (quan trọng) chưa? Tôi thực sự bất ngờ nghe anh giới thiệu về công chức cơ quan mình với cái kiểu làm việc “hành là chính”. Thôi thì quýt làm cam chịu, tôi thành thật xin lỗi và cảm ơn bạn mình. Nhưng rồi, trong lần bản thân đi làm hồ sơ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gặp cô nhân viên hỏi mấy lần không thấy trả lời, sau chừng gần vài chục phút, cô ấy ngẩng đầu hỏi: Chú cần gì? Vậy mà suốt nãy giờ tôi tưởng “người câm” nên kiên nhẫn đứng chờ. Đưa chuyện “người câm” trao đổi với bạn bè, chúng nói: “Cơ quan công quyền nên công chức thường như thế cả, nhất là trong thời kỳ kinh tế phát triển, các cơ quan nhà nước công việc quá tải, công chức nhà nước thường bị stress hãy thông cảm với họ”. Đơn cử, có anh công chức mới về hưu, mình gọi điện mời gặp nhau cuối tuần, bên kia đầu dây anh nói: Có gì không? (về hưu rồi mà còn hỏi như vậy…). Nếu đưa chuyện ứng xử của công chức như trên ra tổ chức cuộc hội thảo nho nhỏ chắc sẽ có muôn vàn lý do để công chức thiếu nụ cười.

Có thể nói, kể từ sau ngày tái lập tỉnh, người dân đã xây dựng được nhiều tài sản vô giá trên hành trình phát triển, nổi bật hơn cả là sự đoàn kết, đồng thuận, khoan hòa, hiếu khách. Trên nền tảng đó, không lẽ nào đội ngũ cán bộ, công chức lại không chủ động vào cuộc nhằm hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới thủ tục hành chính để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nụ cười, chẳng cần bỏ công bỏ sức gì cho lắm, mà chỉ bằng cách thức xưa cũ, giản đơn mà cũng vô cùng quý giá. “Nụ cười công chức” sẽ có giá trị rất cao, thậm chí có sức chi phối các chỉ số PCI khác. Vậy tại sao không xây dựng “Nụ cười công chức” như là một thương hiệu của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh nhà. Khi nói đến nụ cười nơi công sở, là nụ cười xuất phát từ ý thức, trách nhiệm và trái tim của mỗi cán bộ, công chức trên cương vị là “công bộc” của dân. Nụ cười mà mọi người mong muốn nhận được là nụ cười trong sáng, rạng ngời, làm sao cho mỗi người trong quan hệ với các cơ quan hành chính đều cảm thấy an tâm, thiện cảm.

Trở lại chuyện cơ quan tôi, kể từ sau lần được xếp hạng “quan trọng”, cấp ủy, lãnh đạo, công đoàn họp bàn thống nhất quyết tâm xây dựng văn hoá ứng xử, xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá phẩm chất đạo đức, kết quả thực hiện nhiệm vụ, chấp hành quy chế… Kể từ đó, dù áp lực công việc ngày càng gia tăng nhưng chất lượng công tác được nâng lên rõ rệt. Và quan trọng, công chức cơ quan giờ đây ứng xử nhẹ nhàng, vui vẻ, nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt mỗi người. “Nụ cười công chức” không chỉ là nét văn hoá trong mỗi cơ quan công quyền mà còn là chỉ số văn minh của Nhà nước phục vụ dân trong xã hội hiện đại. Một giải pháp không tốn kém góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lẽ nào lại không áp dụng.