Đây cũng là giải pháp để khai thác có hiệu quả quỹ đất trong nội thành đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển nhất là lĩnh vực dịch vụ, thương mại của thành phố trẻ. Có người đã nói khá chí lý rằng, chỉ nhìn vào mỗi tuyến đường, góc phố là có thể đoán định được sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đó. Quả thật tôi cũng cảm nhận như vậy...
Mưa rào gây ngập cục bộ trên đường 21 Tháng 8, đoạn gần sân vận động tỉnh. Ảnh: Bảo Bình
Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển đó vẫn còn không ít những “bộn bề” mà lãnh đạo thành phố phải quan tâm để có quyết sách đúng, vừa “tôn tạo” ngày càng đẹp hơn, hiện đại hơn đối với đô thị trẻ, vừa bảo đảm yêu cầu xanh, sạch, văn minh cho đời sống dân sinh… Đầu tiên là hình ảnh phản cảm của tình trạng ngập nước, đọng nước thành ao, thành vũng của một số tuyến đường khi có mưa “nặng hạt”. Có nơi gần như hễ mưa là ngập như đoạn trước Tỉnh đoàn, đoạn gần sân vận động tỉnh (đường 21 tháng 8)…
Tuy đã được xây lắp hệ thống cấp thoát nước nhưng xem ra cũng chưa giải quyết cấp thời khi mưa lớn. May mà còn có “tuyến tránh” đường đê bao sông Dinh… chứ nếu không thì tắc đường như chơi!. Một thực tế khác là tình trạng rác thải, cát đất do các xe chở vật liệu làm rơi rớt rất nhiều làm cho mặt đường luôn bị bẩn. Khổ nỗi tỉnh ta nói chung, thành phố Phan Rang- Tháp Chàm nói riêng đang vào mùa mưa và gió. Vậy nên, người đi đường, thậm chí là nhiều nhà mặt đường luôn phải “đối mặt” với cát bay, cát chạy và có người đã nửa đùa, nửa thật nói rằng:- Ra đường bịt kín mặt mày như… Ninja Nhật Bản thì may ra mới chống chọi lại gió và cát!. Khó chịu nhất là xe chở cát ướt làm nước văng tung toé lên người đi đường. Đây cũng là nguyên nhân để dẫn đến tai nạn giao thông nhưng dường như cơ quan chức năng không chú ý, còn người dân thì “bó tay” trước thực trạng này. Vấn đề được xem là “muôn thuở” của đô thị là người ăn xin. Tuy không đến mức đeo bám du khách cũng như người dân nhưng tạo nên hình ảnh không đẹp . Thử tìm hiểu nguyên nhân, điều cũng rất dễ nhận thấy là tư tưởng ỷ lại, thiếu “chung tay” của một bộ phận người dân để xây dựng bộ mặt thành phố… Ví như, chuyện rất đơn giản tại các điểm ngập nước mưa phần nhiều là do “kẹt” rác, bao bị nylon bít kín đường thoát. Chỉ cần khơi là thông, vậy mà không ai chịu làm. Còn cơ quan quản lý đô thị cũng vậy, lẽ ra là cử người thường xuyên dọn vệ sinh, khai thông cống thoát trước hoặc trong khi mưa để chống ngập… thì lại thiếu chú ý. Hoặc như “chống” xả rác, tổ chức làm vệ sinh môi trường tại các tuyến đường chính, trong khu dân cư… cũng chưa thường xuyên, ngay cả việc giám sát vệ sinh môi trường tại cộng đồng cũng chỉ là hình thức, thực tế thì mạnh ai nấy làm…
Chuyện xây dựng đô thị văn minh là đích cần phải đạt đến nhưng để hiện thực hoá thì việc đầu tiên là ý thức của mọi người, tự giác thấy việc “chung” như việc “riêng”, biết “xấu hổ” khi làm điều không đúng quy định… Mặt khác, lãnh đạo thành phố cũng như đơn vị chức năng phải sát cơ sở, phải thấy, phải thấu hiểu tâm tư người dân thì mới có thể chỉ đạo sát, giải quyết dứt điểm những phát sinh từ thực tế đời sống xã hội được…
Mong sao sớm được như vậy!.
H.H