Trong vụ hè-thu, toàn xã đã chuyển đổi diện tích trồng lúa hơn 90ha sang trồng 70ha bắp lai và 20ha đậu xanh, tập trung ở 4 thôn: Hiệp Kiết, Giác Lan, Cà Rôm và Suối Giếng. Ngoài ra, nông dân các thôn khác cũng chuyển sang trồng một số cây hoa màu ngắn ngày như: bắp địa phương, dưa leo… để có thu nhập. Ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Hiệp Kiết, đang chăm sóc 3,5 sào đậu xanh, cho biết: Vì không đủ nước sản xuất lúa nên gia đình chuyển sang trồng sang đậu xanh theo chủ trương của xã, đậu xanh đang phát triển tốt, gần 2 tuần nữa có thể thu hoạch.
Công Hải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Bắp lai, đậu xanh không chỉ dễ tiêu thụ, giá cả ổn định mà còn cung cấp nguồn phụ phẩm sau khi thu hoạch, được nông dân dự trữ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Anh Hồ Hoàn Kiếm, Bí thư Chi bộ thôn Hiệp Kiết, cho biết: Được sự hỗ trợ của huyện, gia đình đã chuyển 1,2ha diện tích trồng lúa trước đây sang trồng 1ha bắp lai và 2 sào đậu xanh. Nhìn chung các loại cây trồng đều đang phát triển tốt. Gia đình cũng không lo lắng về đầu ra vì bắp lai là loại thực phẩm được nhiều người tìm mua để chế biến cho gia súc, gia cầm trong đợt hạn kéo dài.
Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả như trên, chính quyền xã đã phải nỗ lực tuyên truyền, vận động giải thích cho người dân hiểu và đồng thuận. Anh Nguyễn Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Vì trước đây quen với việc trồng lúa nên khi vận động chuyển đổi sang cây trồng khác, bà con cũng hơi ngại. Mặt khác kinh phí, công chăm sóc cây hoa màu hao tốn hơn cây lúa. Thế nhưng bù lại, các loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên nhiều hộ tích cực chuyển đổi và bước đầu đạt kết quả tốt.
Minh Khai