Ông Huỳnh Ngọc Minh áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trồng cây măng tây cho hiệu quả kinh tế.
Đến Phước Ninh giữa tháng 7, chúng tôi chứng kiến dòng sông Lu đã hoàn toàn cạn kiệt. Thế nhưng phía bên bờ sông, những đám hoa màu của lão nông Huỳnh Ngọc Minh, vẫn lên tươi tốt, như chưa hề xảy ra nắng hạn. Khi chúng tôi ghé lại tìm hiểu, hai cha con ông còn đang lúi húi lót bạt dưới ao “cạn” mới đào. Ông Minh chia sẻ, để đảm bảo nguồn nước sản xuất trong mùa hạn, gia đình ông đầu tư hơn 2 triệu đồng thuê máy múc đào ao trên lòng sông Lu. Ao đào sâu 3 m, rộng chừng 30 m2, hai bên đều khoét rãnh lớn để dẫn mạch nước ngầm. Nhờ có nước mạch rỉ ra thường xuyên, ông sử dụng mô-tơ bơm chuyền lên ao chứa, từ ao chứa tiếp tục bơm tưới cho các loại cây trồng. Trên 1 ha đất rẫy, ông trồng đủ loại cây, từ các cây lâu năm như táo, xoài, mít, mãng cầu, cho đến những cây rau màu như măng tây, hành lá. Hoa lợi thu hoạch quanh năm mang lại cho gia đình ông thu nhập khá, đảm bảo đời sống ổn định ngay trong những tháng mùa khô.
Đây là một trong số 15 hộ dân ở thôn Thiện Đức đã chủ động đào ao, giếng trên lòng sông Lu để tìm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Châu, Trưởng thôn Thiện Đức cho biết, ngay từ đầu mùa hạn, Ban quản lý thôn đã tổ chức họp dân, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, vận động bà con trong thôn khai thác mạch nước ngầm hợp lý, sử dụng tiết kiệm nguồn nước hiện có và chủ động khôi phục lại các giếng cũ trên địa bàn. Đến nay, nhân dân trong thôn nạo vét 55 cái giếng, mỗi giếng được đào sâu thêm 2 – 3 m, đảm bảo đủ nước tưới cho hoa màu. Bên cạnh việc bảo vệ diện tích cây lâu năm, người dân địa phương tích cực chuyển đổi cây trồng chịu hạn, đem lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể đã chuyển từ đất ruộng sang trồng 6 ha ớt, 10 ha bắp nếp và 1,5 ha măng tây xanh. Không chỉ tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp sẵn có làm thức ăn chăn nuôi, nông dân còn chủ động trồng thêm cỏ voi trên đất trống, cung cấp thức ăn xanh cho hơn 2.600 con gia súc.
Về Thiện Đức, ghi nhận không khí lao động, sản xuất của nông dân vùng hạn, chúng tôi hiểu thêm rằng chính sự chủ động tìm cách thích nghi để “sống chung với hạn” là một trong những giải pháp chống hạn hiệu quả.
Trang Nhung