Thôn Tuấn Tú nằm cuối sông Lu, đất cát xám bạc màu, sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây phụ thuộc vào nước trời, nước giếng đào, khoan nên vụ được, vụ mất; có được mùa cũng chỉ đủ ăn. Thật tình cờ, năm 2010, cùng một số người bạn lên tỉnh Lâm Đồng chơi, ông Hùng Ky thấy những khu vườn, rẫy của bà con nơi đây được tưới bằng hệ thống MIT, vừa tiết kiệm nước, thời gian tưới, vừa cho hiệu quả kinh tế lại cao. Sau đó, ông cứ trăn trở tại sao mình không ứng dụng mô hình này. Nghĩ là làm, khi về nhà, ông thí điểm trên diện tích 500m2 trồng đậu phụng. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật nên chưa đem lại kết quả như mong muốn. Đúng dịp này, năm 2010, Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án “Giới thiệu mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” do tổ chức International Development Enterprises (IDE) của Mỹ tài trợ, được triển khai tại 9 hộ dân xã An Hải. Ông là một trong những người được tiếp cận dự án. Qua một vụ mùa sử dụng hệ thống MIT, khi thu hoạch, đối chiếu năng suất cây trồng cao hơn nhiều so với trước đây, như đậu phụng tăng từ 30-35%, rau muống tăng 80-100%, hành lá tăng 20-30%, cà chua tăng 35-40%...
Ông Hùng Ky bên hệ thống nước tưới phun.
Ông Hùng Ky chia sẻ: Sử dụng hệ thống MIT có lợi nhiều hơn sử dụng hệ thống tưới tràn thủ công truyền thống. Với diện tích 1 sào/vụ, sử dụng hệ thống MIT sẽ giảm khâu làm đất từ 3-5 công; giảm 30-40 công tưới nước; giảm 3-5 công xịt thuốc, bón phân; giảm 45-50 công lao động; quy ra tiền giá trị chênh lệch 5-10 triệu đồng/sào. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình này có thể tiết kiệm được từ 40-45% lượng nước tưới, tiết kiệm 30% chi phí tiền điện, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do khi tưới phun đã làm giảm đáng kể côn trùng gây hại và giảm lượng phân bón. Trước đây, diện tích đất canh tác 2 vụ/ năm, còn nay diện tích đất canh tác xoay vòng tùy theo chu kỳ của loại cây trồng. Nhờ đó, chi phi sản xuất thấp, năng suất tăng đồng nghĩa với lợi nhuận tăng. Trong khi đó, chi phí lắp đặt hệ thống MIT cũng vừa phải, đầu tư hệ thống phun mưa từ 3,5-4 triệu đồng/sào; phun nhỏ giọt 1,5-2,5 triệu đồng/sào… chỉ sản xuất một vụ, lợi nhuận gần như đủ vốn và hệ thống này sử dụng hàng chục năm.
Theo ông Lê Văn Thân, cán bộ chuyên trách dự án IDE, Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Ngày trước khi chưa có mô hình tưới MIT này, để tưới 2,5ha đất, ngoài vợ chồng phải làm, ông Hùng Ky còn thuê 2-3 lao động phụ giúp, thời gian tưới mất cả ngày; nếu cả xịt thuốc bón phân mất từ 2-3 ngày. Từ khi áp dụng mô hình này, đến phiên tưới, chỉ cần bật công tắc là hệ thống nước tự phun, mỗi lần tưới chỉ mất 3 tiếng đồng hồ. Sử dụng hệ thống tưới MIT, việc tưới nước do vợ ông đảm nhận, ông Hùng Ky có thời gian đi làm thêm, mở rộng thêm diện tích đất sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Từ 500m2 thử nghiệm đầu năm 2011, đến cuối năm 2011, ông nhân rộng sử dụng mô hình MIT lên 2,5ha, đời sống gia đình trở nên khá giả. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Hùng Ky còn tích cực chuyển giao ứng dụng và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ nông dân xung quanh. Nhiều hộ gia đình như ông Trần Cảnh, Từ Công Viên, Châu Văn Nga… (thôn Tuấn Tú) được ông giúp đỡ về kỹ thuật lắp đặt ống và cách sử dụng hiệu quả cũng vươn lên thành những hộ khá giả. Đến nay, gần 200 hộ dân/120ha thôn Tuấn Tú đã nhân rộng mô hình này. Vùng đất Tuấn Tú từ khô cằn, bỏ hoang không sử dụng nhưng từ khi ứng dụng mô hình MIT thì màu xanh của rau, cải, đậu phụng, măng tây, hành… đều 4 mùa xanh tốt. Ông Lê Văn Thân cho biết thêm: Trong mùa khô hạn hiện nay, mô hình MIT được nhiều nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện.
Ghi nhận các thành tích trên, nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của huyện Ninh Phước, của tỉnh; được bình chọn là Nông dân điển hình dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI.
Xuân Bính