Thuận Bắc: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng

(NTO) Thuận Bắc là huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên 319,2km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 8.623,7ha. Nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, nhất là phát huy năng lực tưới của hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, Thuận Bắc xác định phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của huyện, hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào thực tiễn làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Chuyển từ cây màu sang trồng xoài đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân xã Bắc Phong.

Theo hướng đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Thuận Bắc tích cực triển khai xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Đề án cây công nghiệp, cây ăn quả trên triền núi, đất dốc; Dự án kênh cấp 2, 3 Sông Trâu, hồ Bà Râu, hệ thống Trạm bơm Mỹ Nhơn; chuyển đổi đất lâm nghiệp sang nông nghiệp tại xã Lợi Hải. Nhờ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nên tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 6%, giá trị sản xuất đạt 722 tỷ đồng. Chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo, qua thực hiện 61 mô hình, đã chuyển giao 45 mô hình sản xuất đạt hiệu quả và có 13 mô hình đang được nhân rộng như các mô hình: Thâm canh cây lúa tại các xã miền núi; thâm canh cây lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”; sản xuất bắp lai...

Những năm trước, khi hạn hán chưa xảy ra gay gắt, phát huy lợi thế các công trình thủy lợi đã được đầu tư, Thuận Bắc mở rộng sản xuất, nâng diện tích gieo trồng từ 9.650ha lên 10.742ha và từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Theo đó, năng suất và sản lượng một số cây trồng chủ lực tăng khá, bình quân hàng năm sản lượng lương thực đạt trên 32.200 tấn, vượt 7,3% kế hoạch; giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác vùng chủ động nước đạt trên 75 triệu đồng/ha. Đặc biệt, qua triển khai thực hiện Đề án Trồng cây ăn quả trên đất dốc, triền núi, các cây trồng như chuối, thơm bước đầu mang lại hiệu quả, được Nhân dân nhân rộng. Cụ thể nhân dân các xã miền núi Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Công Hải và Lợi Hải đã trồng trên 310ha cây công nghiệp, cây ăn quả trên đất dốc, triền núi mang lại thu nhập, cải thiện đời sống. Anh Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, giải thích: Vùng đồi núi lâu nay bà con chỉ làm nương rẫy, canh tác cây ngắn ngày như bắp, đậu nhưng rất bấp bênh, vì vậy việc trồng cây ăn quả có mục đích ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Trước tình hình khô hạn gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, vào vụ hè-thu năm nay, Thuận Bắc đã cho ngưng sản xuất ở các vùng canh tác tưới nhờ nước trời và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng chủ động nước với tổng diện tích 136,35ha, trong đó có 116,35ha trồng bắp lai NK 67 (10ha ở xã Lợi Hải, 35,6ha ở xã Bắc Phong và 70,75ha ở xã Công Hải) và 20ha trồng đậu xanh (xã Công Hải). Hiện nay, bắp lai trồng ở các xã đang phát triển rất tốt. Đồng chí Nguyễn Văn Lăng, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Phong, cho biết: Việc chuyển đổi này rất phù hợp, vì nếu trồng lúa sẽ tiêu hao nhiều nước dẫn đến thiếu nước tưới cục bộ, nhưng với cây bắp không phải lo thiếu nước mà còn đem lại thu nhập đáng kể. Điều này cũng cho thấy tinh thần cần cù, chịu khó, sáng tạo của bà con nông dân khi đối diện với khô hạn.

Từ kết quả 5 năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu về sản xuất nông nghiệp mà Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, Thuận Bắc tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện từng vùng; giảm diện tích đất lúa, chuyển mạnh một số diện tích đất lúa không chủ động nước sản xuất, kém hiệu quả và đất gò sang trồng một số cây màu (bắp, rau, đậu…) sử dụng ít nước và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đặc biệt tập trung phát triển một số cây ăn quả (chuối, thơm, mãng cầu, xoài, nho) tại một số vùng đất màu chủ động nước và các xã miền núi; tiếp tục khai thác các hồ đập phục vụ sản xuất nông nghiệp và khai hoang mở rộng diện tích tại các vùng tưới. Phấn đấu đến năm 2020, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác được chủ động nước đạt 80 triệu đồng/ha, bố trí cây trồng đảm bảo diện tích lúa nước hàng năm đạt trên 4.500ha, bắp 3.000ha, diện tích cây ăn quả 1.000ha.