Lúc lập gia đình, để có đất sản xuất, vợ chồng ông khai hoang vài sào đất rẫy, trồng bắp. Nhìn cảnh nghèo khó của gia đình mình, cũng như nhiều gia đình bà con Raglai trong vùng, so sánh với bà con địa phương khác, ông tự nhận thấy trình độ canh tác, sản xuất của đồng bào mình còn quá lạc hậu, nên cái nghèo cũng từ đó mà ra cả. Không an lòng với hoàn cảnh khó khăn, ông quyết tâm tham gia vào tổ chức Hội Nông dân.
Ông Chamaléa Ninh.
Qua tiếp xúc, trao đổi với nhiều hộ nông dân, cũng như qua các buổi tham gia các lớp tập huấn do Hội và các ngành chức năng tổ chức, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, hiểu biết thêm về các mô hình làm ăn. Quyết tâm làm giàu, một mặt ông động viên vợ cùng khai hoang, tiết kiệm tiền để mua đất mở rộng sản xuất. Chỉ trong vài năm, ông đã có trong tay hơn 3 ha đất sản xuất, trong đó ông dành 2 ha đất trồng lúa, diện tích còn lại trồng các loại rau màu, chủ yếu là dưa lê và đậu xanh, ngoài ra còn xen canh các loại cây trồng khác: đu đủ, bí đỏ… Ông còn có vốn mua máy xay xát phục vụ nhu cầu cho bà con trong vùng; đầu tư xây dựng trang trại nuôi heo và tận dụng các phế phẩm xay xát để chăn nuôi. Dần dần ông tích lũy vốn mở rộng sản xuất. Trung bình mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 100 con heo thịt; duy trì từ 3-4 con nái đẻ lấy giống heo con cung cấp cho bà con trong vùng và chăn nuôi của gia đình. Cách đây vài năm, ông chuyển sang nuôi gà thịt và heo đen, với số lượng hàng năm trung bình khoảng 700 con gà và 30 con heo đen.
Để nâng cao năng suất cây lúa, ông áp dụng mô hình “3 giảm , 3 tăng”, trung bình cho năng suất 7 tạ/sào. Với hơn 1 ha diện tích trồng dưa lê và đậu xanh, ông đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, nhờ đó không chỉ bảo đảm nước tưới cho cây trồng, mà còn tiết kiện đáng kể chi phí sản xuất, tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 32 tấn dưa lê, 5 tấn đậu xanh. Tính ra, tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh máy xay xát của gia đình ông gần 300 triệu đồng/năm. Cuộc sống ổn định, ông đã xây dựng nhà ở khang trang và chăm lo các con ăn học.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhiều hộ nông dân khác. Một số hộ nông dân nghèo không có vốn sản xuất, nhưng có chí hướng làm ăn, ông sẵn sàng cho vay không lãi, từ 10-15 triệu đồng/hộ và còn hỗ trợ lúa giống. Công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ông còn tạo việc làm ổn định cho 5-7 lao động/năm. Nói về bí quyết làm giàu của mình, ông Chamaléa Ninh chia sẻ: Trước hết mình phải có chí, tự thân vận động, không trông chờ ỷ lại. Trong sản xuất, cần phải lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên và biết áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Để làm được điều này cần chịu khó học hỏi, tiếp thu cái mới, tiến bộ và biết cách chi tiêu, đầu tư hợp lý, chắc chắn sẽ thành công.
Uyên Thu