Chị Tain Rén đang chăm sóc bò của gia đình.
Toàn xã Phước Trung hiện có 556 hộ với 2.512 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm trên 99% dân số. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Với diện tích đất nông nghiệp 2.900ha chuyên trồng lúa, bắp, đậu xanh… vào mùa khô hạn thiếu nguồn nước tưới nên hầu hết bà con trong xã đều phát triển chăn nuôi, chủ yếu là nuôi bò, dê, cừu. Từ thực tế của địa phương và dựa trên định hướng các chuỗi giá trị phát triển của Dự án HTTN tỉnh, năm 2014, Ban Phát triển xã đã khảo sát và thành lập 4 nhóm đồng sở thích nuôi bò sinh sản với 50 hộ thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 12-2014, các nhóm đồng sở thích được hỗ trợ mua 25 con bò cái sinh sản, với kinh phí 500 triệu đồng để nuôi theo hình thức luân chuyển. Trong đó, Dự án HTTN hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các thành viên tham gia. Ngoài ra, các thành viên tham gia còn được dự án hỗ trợ làm 40 chuồng bò, với kinh phí 160 triệu đồng. Chị Phạm Thị Mỹ Nga, cán bộ phụ trách Tam nông xã, cho biết: Để mô hình thực hiện có hiêu quả, sau khi nhận bò, Ban Phát triển xã đã tổ chức họp và xây dựng quy chế cụ thể cho từng nhóm để các hộ nuôi thực hiện đúng cam kết của dự án đề ra. Hằng tháng, trưởng nhóm báo cáo tình hình đàn bò cho Ban Phát triển xã để theo dõi. Theo đó, khi bò mẹ đẻ ra 1 con bê, hộ nuôi tiếp tục chăm sóc đến khi bê con được 6 tháng tuổi thì chuyển giao bò mẹ cho hộ thành viên kế tiếp trong nhóm nuôi. Nếu bò mẹ đẻ ra bê đực, hộ nuôi có trách nhiệm thương lượng với hộ trong nhóm bán bò đực, mua bò cái để bàn giao lại cho hộ trong nhóm nuôi sinh sản.
Trong quá trình triển khai mô hình, nhóm chăn nuôi và các hộ chăn nuôi trong xã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ, cách phòng trị một số bệnh trên đàn bò… Ngoài ra, Ban Phát triển xã còn cử cán bộ thường xuyên xuống từng nhóm theo dõi tình hình đàn bò. Nhờ đó, qua 8 tháng thả nuôi, đàn bò giống phát triển rất tốt. Anh Chamaléa Phốn, Nhóm Trưởng phụ trách các nhóm bò, cho biết: Khi các nhóm nhận bò giống về nuôi có một số đã “cấn chửa”, có con sau 3 tháng thì đẻ. Nên hầu hết các hộ thành viên tham gia nuôi bò sinh sản đều rất phấn khởi. Hiện nay, 25 con bò giống đã có 4 con sinh sản, 17 con cấn chửa.
Anh Katơ Xuống (thôn Đồng Dày) phấn khởi : Sau khi nhận bò về nuôi, gia đình chăm sóc rất cẩn thận, được 3 tháng thì bò đã đẻ một con bê. Khoảng 2 tháng nữa, gia đình sẽ chuyển bò mẹ cho hộ khác nuôi, còn con bê sẽ nuôi lớn là nguồn vốn của gia đình sau này. Cùng chung niềm vui, chị Tain Rén, một thành viên trong nhóm ở thôn Tham Dú, vui mừng nói: Sau khi Dự án HTTN hỗ trợ vốn mua bò, được cán bộ xã hướng dẫn cách chăm sóc, nên dù mấy tháng qua, thời tiết khô hạn nhưng bò vẫn phát triển tốt.
Theo chị Phạm Thị Mỹ Nga, mô hình nuôi bò sinh sản “Tam nông” của xã Phước Trung tuy mới triển khai nhưng đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Đa phần đàn bò phát triển và sinh sản tốt, đây là tín hiệu vui, nhằm giúp các hộ nghèo tại địa phương từng bước có con giống để chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Tiến Mạnh