Khác với những món gỏi sống khác, gỏi dông được làm khá kỳ công. Dông để nguyên con, chế nước sôi vào khoảng vài phút rồi cạo nhẹ cho bong sạch lớp da đất bên ngoài, làm sạch ruột. Sau đó để nguyên xương rồi bằm nhỏ, xào chín và trộn với trái cóc hoặc xoài sống xắt sợi, rau thơm, đậu phộng rang giòn, nước mắm pha và đặc biệt phải có lá xào dông, một thứ lá trông giống như lá chùm ruột non, mùi thơm nhưng có thoảng vị chát. Gỏi dông thường ăn với bánh tráng nướng, giòn tan trong miệng hòa quyện với vị ngọt mát của thịt dông khiến cho người ăn cảm nhận được hương sắc đặc trưng của miền cát nắng.
Ảnh minh họa.
Riêng dông nướng hấp dẫn thực khách bởi mùi vị rất riêng. Để chế biến món dông nướng, người ta thường chọn những con mập, có kích thước của dông trưởng thành. Thịt dông được làm sạch và ướp với một số gia vị như: hành băm nhuyễn, hạt nêm, tiêu và nước mắm. Thịt dông ướp khoảng 30 phút cho ngấm đều sẽ được cho lên vỉ nướng bằng bếp than. Trong quá trình nướng dông phải trở đều, tránh thịt bị cháy khét. Theo dân sành điệu thì phần ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo nhân nhẫn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, rất bùi mà không ngậy, được xem là một loại sơn hào hải vị. Thịt dông nướng thơm, mềm và có vị ngòn ngọt, gần giống như thịt gà nên người dân nơi đây thường gọi là “gà đất”.
Đối với những người con xa quê, dông nướng là món ăn không thể quên trong ký ức. Hương vị và cách thức chế biến đã làm nên sự khác biệt giữa món dông nướng Phan Rang với những nơi khác, vì thế du khách khi đặt chân đến đây thì không thể nào quên với món ngon lạ miệng này.
Thùy Trang