Suốt ngày đã mệt mỏi với tiếng ồn của nhà mình, nhà hàng xóm, đầu tôi muốn lùng bùng, được giấc nghỉ trưa chút xíu thì… Hình như N. biết vậy nên anh có xin lỗi vì cuộc gọi bất thường. Tôi giật mình. Ồ, có gì đâu, lâu quá bạn mới gọi mà lại báo tin vui thì tuyệt rồi. Sau vài câu thăm hỏi, vài thông tin thì anh đi vào nội dung chính của câu chuyện là anh có ý nhờ tôi làm “MC” cho tiệc cưới của con anh, sẽ diễn ra ở Dĩ An, Bình Dươmg.
Nhà nghèo, vợ bán rau chợ chạy, chồng hết đẩy xe kem, lại đạp xe rao bong bóng, các con anh chỉ được xong trung học rồi đi làm. Con gái anh vào Bình Dương làm công nhân, gặp bạn trai từ Quảng Ngãi cũng vào làm công nhân. Hai đứa cưới xong sẽ ở nhà trọ và còn phải lo cho bà mẹ chồng đã già và chuyện học hành của đứa em chồng. Tôi thở dài. Chà, sẽ khó đây. Đang thời buổi suy giảm kinh tế, công ăn việc làm khó khăn, rồi không biết khi có thêm em bé thì tụi nhỏ sống sao đây. Sao không đợi thêm thời gian rồi tính. Người ngoài cuộc bao giờ cũng thông thái và lý lẽ xác đáng. Những đắn đo của tôi làm N. lúng túng. Anh ờ ờ cho phải phép rồi cũng nhẹ nhàng vài câu cho vừa lòng bạn: Con gái có lứa, có thì, nó thương đâu gả đó cho xong… Nhưng trong giọng nói, tôi biết anh đang giấu niềm vui. Vui vì qua nhiều năm tháng gieo neo, giờ cũng đến lúc con cái trưởng thành. Cái vui của người trong cuộc.
Bé T., con anh N., tôi biết từ lúc cháu còn chập chững, lớn lên cháu cũng xem tôi như chú ruột nên khi tìm ứng viên cho gương mặt đại diện đàng gái thì N. nghĩ ngay đến tôi vì anh vốn không có mấy người thân. Phần nữa, theo anh “cũng vì thấy gia đình ông đuề huề hạnh phúc nên tôi muốn cậy chút đức cho cháu nhờ”. Thật tình, tôi băn khoăn vì đám cưới diễn ra trùng với lúc con gái tôi thi đại học mà tôi thì muốn đặt hết tâm lực cho con. Cuối cùng, tôi xin lỗi vì dạo này người không được khỏe, ngại đi xa. Nghe xong, N. thở dài “tiếc quá, nhưng biết làm sao, thôi ráng khỏe nghen!”
Ít lâu sau, N. lại gọi, hỏi thăm sức khỏe và gia đình. Tôi buồn rầu báo tin con gái trượt đại học. N. lại thở dài và chân tình an ủi, động viên tôi. Tôi ngại anh tốn tiền điện thoại, mấy lần muốn ngắt cuộc nói chuyện nhưng anh cứ thầm thì trò chuyện như không hiểu ý tôi. Anh muốn làm người trong cuộc để chia sẻ với tôi những buồn phiền và thất vọng. Những lời bạn chân thành như gợi về những ngày tháng bình yên xa xăm, thưở hai đứa còn hồn nhiên chung lớp, chung đường cắp sách tới trường, những ngày chưa có dấu vết cuộc đời hiện diện như những được thua, toan tính. Tự nhiên tôi xấu hổ và nhận ra mình đã để cho thói ích kỷ chiếm đoạt tâm hồn tự lúc nào.
Tôi chua xót nhận ra rằng, cứ rạch ròi chuyện mình, chuyện người như vậy, e rằng đến một lúc nào đó, mình sẽ là “người ngoài cuộc”
Bùi Diệp