Cuộc sống ở quê luôn nhọc nhằn, vất vả, cái khó thường bó cái khôn, người quê chỉ biết bám vào đất đai ruộng vườn mà sinh tồn nên cuộc sống của họ cũng không quá cầu kỳ, có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, tính tình họ cũng vì thế mà thiệt thà như hạt lúa, như củ khoai. Mẹ tôi cũng vậy. Mẹ nuôi tôi lớn bằng tình yêu thương vô bờ, bằng nhân từ phúc hậu, bằng những câu ru là những lời khuyên bảo sâu xa. “ Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy, cố công đèn sách có ngày thành danh…”.
Mẹ là thế, những người mẹ trên cõi đời này là thế, luôn sống cho con, cho chồng. Bàn tay mẹ hằn vết nứt nẻ, chai sần cốt để cho bát cơm con không có mùi khoai sắn. Áo quần mẹ bạc sờn, vá đụp, vá chằng để con ăn trắng mặc trơn, để con không phải tủi buồn với bạn bè trang lứa bởi chuyện rách lành.
Mẹ thật yếu mềm nhưng luôn tỏ ra cứng cỏi bởi mẹ phải thay cha làm rường cột cho nếp nhà khỏi bão gió xiêu vẹo. Tôi không thường thấy mẹ khóc nhưng luôn nghe tiếng mẹ thở dài nhất là những đêm mưa gió bão bùng. Tiếng thở dài ấy xoáy vào tim tôi, hằn sâu ở đó, khiến nước mắt tôi tuôn trào, khiến tôi luôn thì thầm “ Mẹ ơi, con thương mẹ rất nhiều ”.
Tôi thương mẹ bởi mẹ vì tôi mà sống cô đơn, vì tôi mà không đi bước nữa. Tôi thương mái tóc mẹ chưa có sợi bạc nào. Tôi muốn mẹ bước đi… nhưng tôi lại sợ mất mẹ.
Hẳn là ngày ấy, tôi khá bé bỏng dại khờ bởi không thấy mình ích kỷ, không thấy vì mình mà đời mẹ phải hẩm hiu. Để rồi khi lớn khôn, khi hiểu ra thì mọi chuyện đã thành muộn màng. Mẹ giờ lưng còng, tóc bạc, co ro trong tuổi xế chiều. Bát cơm con bưng, muỗng cháo con mớm cũng không thể nào đáp đền công lao như biển trời của mẹ cha xưa... Nước mắt bao giờ mà chẳng chảy xuôi nhưng nếu không có mẹ thì làm sao có ta trên cõi đời này.
Xin tặng bạn đoá hoa hồng nếu bạn còn mẹ trên đời. Đoá hoa ấy sẽ nhắc nhớ bạn về lòng hiếu thảo, về công ơn dưỡng dục sinh thành, về đức hy sinh để mai kia bạn cũng sẽ là mẹ. Một người mẹ tuyệt vời trong lòng các con của bạn nếu bạn là người con hiếu thảo, yêu mẹ, kính cha.
Lý Thị Minh Châu