Tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 36, chiều 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán.

 

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, Luật Kế toán hiện hành đã được Quốc hội khóa XI thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2004. Sau hơn 10 năm thực hiện cho thấy đã đạt được những kết quả quan trọng song cũng còn những tồn tại, hạn chế. Luật Kế toán hiện hành quy định hạch toán theo giá gốc, điều này không phản ánh được tình hình biến động tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, theo chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ phổ biến trên toàn thế giới việc hạch toán được thực hiện theo giá trị hợp lý (giá thị trường tại thời điểm đánh giá). Ở Việt Nam, cơ chế kinh tế thị trường đã thực hiện trong nhiều năm qua, như vậy đây cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp với định hướng phát triển và hội nhập.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kế toán là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về kế toán, đặc biệt là nguyên tắc kế toán, chế độ kế toán, chuẩn mực kế toán và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Trên cơ sở phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan 21 điều trong tổng số 64 điều của Luật Kế toán, Chính phủ trình Quốc hội “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán”.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Bộ Tài chính về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán. Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng phạm vi sửa đổi Luật chỉ dừng ở mức độ sửa đổi, bổ sung 21/64 điều của Luật Kế toán hiện hành là chưa toàn diện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá sâu hơn về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn, xác định đầy đủ các nội dung chưa được quy định ở Luật Kế toán hiện hành để có quy định bao quát các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật, tránh tình trạng sửa đổi manh mún, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về tính cụ thể của dự án Luật, ông Hiển cho rằng, nhiều quy định chưa bảo đảm tính cụ thể, một số nội dung liên quan đến công tác kế toán, trong đó có những vấn đề quan trọng được quy định tại các văn bản dưới luật. Vì vậy, đề nghị rà soát, luật hóa tối đa những vấn đề đang được quy định ở văn bản dưới luật, bảo đảm tính cụ thể, chi tiết, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Tham gia cho ý kiến về dự án Luật, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm liệu các quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung có khắc phục được những hạn chế của Luật hiện hành, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá sâu hơn về quá trình thực thi Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện hơn .

Đồng tình với ông Giàu, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh đây là một Luật rất quan trọng và có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trước khi đưa dự án Luật ra trình tại Quốc hội. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cần xác định các nội dung chưa được quy định trong Luật Kế toán hiện hành phát sinh trong thực tiễn liên quan đến công tác kế toán, từ đó bảo đảm tính ổn định và đời sống lâu dài của Luật.

Đánh giá về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật cần bao quát hơn, đặc biệt phải bao gồm những quy định mới nhằm từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát, luật hóa những quy định đã được chứng minh trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật, từ đó giảm số điều mà Chính phủ phải hướng dẫn. Bên cạnh đó, tính cụ thể, chính xác, minh bạch của Luật phải được đặt lên hàng đầu và thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và lĩnh vực luật kinh tế nói riêng đã được Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong thời gian vừa qua.

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần khẩn trương tiến hành rà soát, hoàn thiện dự án Luật theo hướng sửa đổi căn bản, toàn diện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam