Hạnh phúc của giáo viên vùng cao

(NTO) Nhắc đến những thầy, cô giáo đang dạy học ở các xã miền núi, thật khó có thể ghi hết được những khó khăn, vất vả của họ, nhưng cũng khó có từ ngữ nào có thể diễn tả hết niềm vui, hạnh phúc của những người đang gieo chữ, trồng người nơi đây.

Đã 4 năm gắn bó với nghề dạy học cũng là từng ấy thời gian gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH Phước Bình B, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, ánh mắt cô giáo trẻ Lê Thị Tuyết Nhung rạng ngời niềm vui và hạnh phúc khi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm với học trò của mình: “Học sinh ở đây thương lắm chị ơi! Các em tuy cuộc sống khó khăn nhưng rất ngoan và ham học, hết lòng thương yêu, quý trọng thầy cô. Chỉ một buổi vắng cô lên lớp, học sinh đã rủ nhau xuống khu nội trú xem cô đau bệnh thế nào… Gần 4 năm đứng trên bục giảng, niềm vui, nỗi buồn nào của tôi cũng “bị” các em phát hiện ra, khiến niềm vui nhân đôi, nỗi buồn chia nửa…”.

 
Cô và trò Trường PTDTBT TH Phước Bình B (huyện Bác Ái).

Thầy giáo Cao Thiên Chương, Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Phan Đình Phùng, xã Ma Nới đã có 12 mùa xuân gắn bó với học trò miền núi cũng tự cho mình là người hạnh phúc khi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm vui buồn: Năm đầu tiên về trường công tác, tôi được phân công làm chủ nhiệm, cầm danh sách học sinh trên tay, tôi lúng túng làm cả lớp phì cười vì những cái tên địa phương thật khó đọc. Từ đó, những buổi sinh hoạt lớp còn thời gian tôi nhờ học sinh “phụ đạo” môn “tiếng địa phương”: trò đọc - thầy líu lo đọc theo… cả lớp cười, còn thầy giáo trẻ đỏ mặt… Vui nhất là những buổi thầy trò cùng tập văn nghệ để biểu diễn cho các ngày lễ lớn (20/11, 26/3 ...). Học trò Raglai cất tiếng hát trong veo như tiếng chim giữa núi rừng, như tiếng suối chảy vào vách đá… các em học chữ thì lâu nhưng học hát, học múa thì thầy cô không tài nào theo kịp. Còn nhớ những lần đốt lửa trại sinh hoạt chủ điểm kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3) học sinh mang tới nào khoai, mỳ, bắp… thầy trò quây quần bên bếp lửa cùng nướng, cùng ăn, mặt ai cũng lem luốc than đen, trò nhìn thầy cười, thầy nhìn trò cũng cười, tiếng cười của thầy và trò vang xa... sưởi ấm lòng những thầy cô đang công tác xa nhà. Những món quà 20-11 của học sinh miền núi cũng thật đặc biệt, đó là những tấm thiệp do học sinh tự làm với những lời chúc hồn nhiên đáng yêu; những gói măng khô, vài nhánh chuối, quả bí… vui hơn cả là những giờ học có đông đủ học sinh trong lớp.

Là giáo viên đang công tác ở các xã miền núi, ai cũng đã từng ít nhất một lần phải đi vận động học sinh ra lớp. Đi bộ, lội suối, thậm chí là tìm lên tận nương rẫy hay sáng sáng phải đến tận nhà đón học sinh… công việc đó dường như đã trở thành “một phần tất yếu” trong cuộc sống của giáo viên vùng cao. Một thầy giáo ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn chia sẻ kỷ niệm khó quên về một lần vào thôn Tà Nôi vận động học sinh bỏ học trở lại trường. Vì chủ quan nên lội ra giữa suối mới biết nước sâu ngang cổ, chới với… đặt chân lên tận bờ mà vẫn không khỏi sợ hãi. Thấy thầy giáo trong bộ quần áo ướt đẫm, học trò ôm thầy hứa sẽ không bao giờ bỏ học. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao để những thầy, cô giáo trẻ tiếp tục gắn bó với học trò.

Khi hỏi về những kỷ niệm buồn của giáo viên vùng cao, một thầy giáo bày tỏ: “Bạn hãy thử một lần đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp, hãy một lần nghe học sinh miền núi gọi tiếng thầy cô, hãy yêu mến những ánh mắt tròn xoe, ngây thơ và những nụ cười vô tư của học trò, hãy mở lòng với những người dân thật thà, chất phác và cảnh sắc núi rừng nơi đây… chắc chắn bạn sẽ tin lời tôi nói là sự thật: tôi chẳng nhớ nổi kỷ niệm buồn nào cả”.