Chúng tôi có dịp về thăm Trường TH Phước Thắng khi thầy và trò đang sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề hướng về biển, đảo Tổ quốc. Buổi sinh hoạt càng lúc càng sôi nổi, hào hứng bởi những câu hỏi của thầy giáo Dương Văn Công, Tổng phụ trách Đội đưa ra về Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Tiết học ngoại khóa với chủ đề Hướng về biển, đáo của học sinh lớp 5B.
Từ đầu năm đến nay, những buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ của thầy trò trường TH Phước Thắng vẫn thường xuyên diễn ra xung quanh mô hình bản đồ Việt Nam. Với chiều dài 11m, rộng 6m, mô hình bản đồ Tổ quốc Việt Nam, trong đó hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được làm bằng hai cột mốc trên đó có gắn dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa cùng lá cờ đỏ sao vàng biểu hiện rõ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trên tấm bản đồ đặc biệt này, các thầy cô giáo còn khéo léo xây dựng những biểu tưởng mang tính đặc trưng của từng địa phương. Đơn cử như với biểu tượng tháp Chăm, các em HS dễ dàng nhận ra vị trí tỉnh ta nằm ở đâu trên bản đồ, ...
Năm học 2014-2015, Trường TH Phước Thắng có 380 HS, ở 4 thôn: Ma Ty, Ma Oai, Chà Đung và Ha Lá Hạ (xã Phước Thắng) theo học. Là HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa bao giờ biết đến biển, đảo nên việc tiếp thu kiến thức về biển, đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trước đây, trong tiết học Địa lý, cả lớp học chỉ có một tấm bản đồ nhỏ nên khó khăn cho giáo viên khi truyền đạt kiến thức về biển đảo cho học sinh. Từ khi nhà trường xây dựng mô hình bản đồ Việt Nam và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc giúp HS hứng thú hơn khi học các môn Lịch sử, Địa lý, các giờ sinh hoạt ngoại khóa. Mô hình không chỉ là dụng cụ dạy học trực quan, sinh động giúp HS có thêm kiến thức cơ bản về vị trí địa lý của đất nước, mà còn góp phần làm “thỏa lòng” của các em về tình yêu biển, đảo Việt Nam. Em Ka-tơr Thị Minh Trăng, lớp 5B, chia sẻ: Em rất thích thú khi được các thầy, cô giáo giới thiệu các vị trí địa lý trên bản đồ. Nhờ đó, em hình dung và xác định được vị trí chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của nước ta”.
Thầy giáo Dương Văn Công, cho biết thêm: Năm học 2013-2014, Chi đoàn giáo viên nhà trường đã vận động các doanh nghiệp, chính quyền, phụ huynh và tập thể giáo viên được trên 30 triệu đồng để xây dựng mô hình. Để tiết kiệm chi phí, hằng ngày sau mỗi giờ lên lớp, các thầy, cô giáo lại cùng nhau thiết kế, xây dựng mô hình. Bản đồ được xây dựng gần 40 ngày công là tình cảm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên nhà trường gửi gắm đến các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để nâng cao kiến thức về biển, đảo cho HS, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Thông qua đó, góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi HS từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Mỹ Dung