Khơi mào “cuộc họp”, chị người mập trắng dáng vẻ thương nhân “phát” trong sự ấm ức: Đứa lớn nhà tôi 12 năm học, năm nào cũng giỏi, được trường tặng giấy khen, cháu học thêm đủ chỗ, học ngày, học đêm, nói tóm lại cháu chỉ có mỗi việc học và học; Tốt nghiệp trung học phổ thông năm vừa rồi đạt loại giỏi, vậy mà thi vào đại học hai trường trượt cả hai, thật chẳng sao hiểu nổi? Đồng cảm với chị mập trắng, cô người bé nhỏ bên cạnh góp thêm: Còn em, đứa con gái đầu tốt nghiệp trung học cơ sở điểm cao nhất nhì trường nhưng thi trung học phổ thông trường chuyên và trung học phổ thông Nguyễn Trãi (nguyện vọng hai) đều không đủ điểm, thế mới tức chứ! Thế là chủ đề “học giỏi” thi trượt được các cô, các chị mổ xẻ rôm rả và cuối cùng thì thở dài ra đáp án “học tài, thi phận” mà.
Chuyện “học tài, thi phận” là chuyện ngày xửa, ngày xưa đã có nên có phần làm nhẹ vơi cái “ấm ức” của nhiều bậc phụ huynh đã hết mình chăm lo, đầu tư cho con cái học hành. Nhưng có chuyện sáng như ban ngày trò làm đúng, thầy phê sai cần làm sáng tỏ, chị dáng thương nhân lúc nãy lên tiếng. Số là có bài toán kiểm tra của học sinh lớp một: “Số nào sau số 60 mà nhỏ hơn số 80”, cháu tôi viết số 71 vậy mà cô giáo phê sai, phải 70 mới đúng. Cô giáo sai rành rành còn phê trò sai. Chị bên cạnh vừa rồi nhẹ nhàng góp thêm: Có lẽ cháu sai thật vì số sau số 60 phải là số 61 mới đúng, ai lại 71 cách xa quá!? Chị dáng thương nhân vẫn không chịu: Nếu vậy sao không ra đề số liền kề lớn hơn số 60 và nhỏ hơn số 62 mà phải số 80, đúng là toán “đánh đố”? Thấy mọi người bàn tán không ngã ngũ, cô phụ huynh hình như là giáo viên phân trần: Có thể đây là bài toán yêu cầu học sinh tìm số hàng chục nhỏ hơn nhưng thiếu dữ liệu giả thiết vì đáp án đúng là số 70 (60<70<80). Vậy ai sai, ai đúng, trò hay thầy!? cuộc bàn luận trở nên sôi nổi nhưng vẫn chưa thống nhất được sai và đúng là trò hay thầy.
Quan sát mọi người bàn luận khá sôi nổi, chị khá lớn tuổi nãy giờ chỉ nghe lên tiếng: Có lẽ con các chị học giỏi nhưng thi chưa đậu có thể vì việc cho con học thêm không đúng cách, học thêm mà học thầy cô chủ nhiệm lớp, thầy cô ở trường thì điểm giỏi là cái chắc hoặc học thêm kiểu luyện “gà chọi” thi đấu khi đề thi khác đi một chút mà không rớt thì mới lạ. Rồi chị cho biết: Con, cháu tôi học thêm ở những thầy cô dạy giỏi của tỉnh nhưng không phải giáo viên của trường cháu học và học thêm trên mạng internet nên đứa nào thi cũng đậu. Nghe xong mọi người mới vỡ oà: Vậy là do “không biết” học thêm nên đứa học giỏi thi không đậu, đứa đáp án không sai cô giáo phê sai; Họp ngoài hành lang “sáng” hơn họp trong hội trường, các cô, các chị ai nấy hồ hởi vì từ nay “biết” cho con cái học thêm như thế nào rồi!
Mỹ Hạnh